Chuyện Bộ trưởng, thứ trưởng xài hàng Made in VietNam

Kinh tếThứ Hai, 15/02/2010 09:32:00 +07:00

Nhân dịp đầu năm mới, một số Bộ trưởng, Thứ trưởng đã chia sẻ về thị hiếu tiêu dùng của cá nhân và gia đình.

Nhân dịp đầu năm mới, một số Bộ trưởng, Thứ trưởng đã chia sẻ về thị hiếu tiêu dùng của cá nhân và gia đình.

Dùng hàng Việt, với không ít thành viên Chính phủ, không chỉ là thực hiện theo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, mà còn bởi đó là nhu cầu, thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp và mang đậm chất văn hóa Việt.

Bộ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân: "Trang phục của tôi phần lớn may đo trong nước"

Tôi vừa mua mấy bộ quần áo của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, một nhà thiết kế trong nước. Thỉnh thoảng, tôi cũng dùng đồ của nhà thiết kế Đức Hùng. Nhưng cũng có khi, nhiều trang phục của tôi được may ở một số hiệu may ngay gần nhà. Đặc biệt, áo dài tôi thường may ở những tiệm bình dân, khăn quàng tôi hay dùng lụa Vạn Phúc, chất liệu rất mềm mại, hoa văn đẹp lại rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc.

Đồ dùng trong gia đình tôi, cũng có một số hàng ngoại, nhưng phần lớn là hàng Việt Nam. Như cháu nội tôi, từ nhỏ tới lớn vẫn dùng sữa Vinamilk, hợp túi tiền mà chất lượng không thua kém gì sữa ngoại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng bày hàng công nghệ, thiết bị của Việt Nam. Ảnh: Đức Long.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Tôi làm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine nội"

Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 vừa sản xuất loạt vaccine ngừa cúm A/H1N1 thử nghiệm đầu tiên. Vaccine này trước khi đưa vào sản xuất đại trà, phải được thử nghiệm an toàn, thử nghiệm miễn dịch. Do vậy, cần có khoảng 200 tình nguyện viên, những người đầu tiên sử dụng loại vaccine này. Tôi đã đăng ký là một trong những người đó. Sau khi được thử nghiệm thành công, công nghệ sản xuất  vaccine cúm A/H1N1 sẽ sớm được hoàn thành, với năng lực sản xuất khoảng 1 - 2 triệu liều mỗi năm. 

Với việc tình nguyện sử dụng vaccine ngừa cúm A/H1N1 sản xuất trong nước, tôi được một số bạn bè cho là một trong những người có hành động thiết thực ủng hộ hàng Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phừ: "Tôi rất thích hàng dệt may trong nước"
 

Đồng bào dân tộc chúng tôi chủ yếu sử dụng hàng Việt Nam và nhu cầu tiêu dùng còn rất lớn. Nhưng lâu nay, hàng hàng tiêu dùng thiết yếu phần lớn do người dân tự làm nên chất lượng, số lượng một số sản phẩm hạn chế. Cá nhân tôi rất thích sử dụng quần áo thổ cẩm và một số vải truyền thống như tơ, lụa. Ngoài ra, tôi cũng là khách hàng của các thương hiệu dệt may trong nước như May 10, Việt Tiến, Tây Đô… 

Ngoài yếu tố giá cả, chất lượng phù hợp, tôi ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam còn bởi các sản phẩm mang đậm văn hóa Việt và đây cũng chính là ưu thế cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp: "Đồ dùng gia đình tôi chủ yếu là hàng Việt Nam"

Cả nhà tôi vừa đi hội chợ Xuân và trong giỏ đồ chúng tôi xách về nhà toàn hàng Việt Nam: gốm sứ Bát Tràng trang trí cho phòng khách; xoong nồi là của Kim khí Thăng Long; quần áo của vợ chồng tôi, rồi đồ chơi cho các cháu... Đồ dùng trong nhà tôi, hàng Việt Nam sản xuất là chủ yếu: đồ gỗ, đồ gia dụng, thực phẩm... Riêng cá nhân tôi, quần áo chủ yếu là của hàng May 10, Việt Tiến. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng, phần đông các nhà sản xuất của chúng ta vẫn thiếu tinh tế về thị hiếu người tiêu dùng, nhất là trên khía cạnh thẩm mỹ, nên chưa tạo ra được nhu cầu thị trường mạnh mẽ.

Cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt, mà Nhà nước là hộ tiêu dùng lớn nhất (hằng năm ngân sách của chúng ta chi vào khoảng 500 nghìn tỷ đồng, trong đó 30 - 40% chi lương, còn lại chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật dụng…), sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao vị thế hàng Việt. Riêng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị trong bộ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm máy móc, trang thiêt bị, đồ dùng.

Dù chưa có điều tra chính thức về giá trị kinh tế của chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng có thể khẳng định, hiệu quả của cuộc vận động này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhưng, không chỉ vận động người tiêu dùng mà chương trình phải vận động cả nhà sản xuất nỗ lực nâng cao chất lượng, giá trị hàng Việt.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú: "Máy giặt nhà tôi cũng là hàng nội"

Gần như 100% áo sơ mi của tôi là hàng An Phước; comple thì đặt may tại một nhà may quen trên phố Hàng Dầu. Đa số trang phục, đồ dùng cá nhân và đồ dùng gia đình tôi là hàng Việt Nam. Tôi cũng không cầu kỳ chuyện nhãn hiệu, miễn là vật dụng đó đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Từ thực tế dùng hàng Việt, tôi thấy nhiều sản phẩm khá tốt. Ví dụ máy giặt nhà tôi cũng là hàng nội, hiệu Mitsustar (thương hiệu lạ hoắc phải không?). Sản phẩm này của một doanh nghiệp là bạn tôi làm. Tất nhiên là chỉ khi vợ tôi tình cờ mua về dùng thì mới biết sản phẩm này tốt, chứ trước giờ, người ta vẫn nghĩ, máy giặt thì phải xài Electrolux, Sanyo, LG hay Samsung gì đó.

Nói vậy, nhưng thực tế hàng Việt Nam vẫn còn một vài nhược điểm khiến tôi và những người tiêu dùng khác không có nhiều sự lựa chọn, đó là mẫu mã ít thay đổi, tính tiện dụng thấp; không đáp ứng nhu cầu đa dạng về chất liệu… Thêm nữa, khi doanh nghiệp bán hàng Việt trên thị trường nội địa hầu như không quan tâm và cũng còn ít cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Vì thế, tôi nghĩ, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” còn rất nhiều việc phải làm. Cùng với doanh nghiệp, Nhà nước cũng phải tham gia vào quá trình này bằng cách đứng ra tổ chức các hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Hồi trước, vợ tôi quyết định mở xưởng sản xuất bao bì cũng xuất phát từ một lần xem triển lãm, thấy cái máy đó hay quá nên đầu tư. Khái quát lại thì 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chung tay mới thay đổi được “thứ hạng” của hàng Việt.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn