Bamboo Airways được tăng lên 30 máy bay

Kinh tếThứ Tư, 14/08/2019 14:25:00 +07:00

Chính phủ vừa chính thức cho phép Bamboo Airways tăng quy mô đội bay lên 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm cả máy bay thân rộng và thân hẹp.

Hôm nay, 14/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định số 1014/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo quyết định này, quy mô đội bay của Bamboo Airways được phép điều chỉnh tăng lên 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm loại máy bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và loại máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787.

Cùng với đó, vốn góp tăng lên 1.300 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%).

bamboo

 Chính phủ vừa chính thức cho phép Bamboo Airways tăng lên quy mô đội bay lên 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm cả máy bay thân rộng và thân hẹp. Ảnh: BA.

Hãng bay đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư nội dung kế hoạch phát triển đội bay theo yêu cầu của các Bộ, ban ngành liên quan, bao gồm kế hoạch phát triển đội bay, kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án...

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của pháp luật sau quyết định này. Việc cấp phép phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.

Để nhận được phê duyệt từ Chính phủ, Bamboo Airways đã phải thuyết minh làm rõ việc duy trì mức vốn tối thiểu khi xây dựng kế hoạch phát triển đội bay để đảm bảo điều kiện kinh doanh và điều kiện về vốn tối thiểu theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Trước đó, Bamboo Airways đã phải điều chỉnh kế hoạch đề xuất sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Trong đề xuất ban đầu, Bamboo Airways muốn nâng số lượng máy bay lên 40 chiếc vào năm 2023. Góp ý cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng hãng chưa thuyết minh được tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền. 

Sau gần 1 năm kinh doanh hàng không, các kết quả tài chính của hoạt động này không được Bamboo Airways cũng như FLC công bố chính thức. Tuy nhiên, tài liệu cổ đông của FLC cho biết hoạt động vận tải hàng không của Bamboo Airways được hạch toán vào mục kinh doanh dịch vụ, cùng với các dịch vụ khác như nghỉ dưỡng, du lịch, golf.

Theo báo cáo tài chính của FLC, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ cung cấp dịch vụ của FLC đã tăng gấp 6 lần từ mức 336 tỷ đồng nửa năm 2018 lên 1.813 tỷ đồng năm nay. Tuy nhiên, khác với mọi năm, ở kỳ kinh doanh này, dịch vụ trở thành mảng kéo lùi lợi nhuận gộp của FLC khi kinh doanh dưới giá vốn. Nửa năm qua, mảng này đã khiến FLC lỗ gộp 295 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp hợp nhất toàn tập đoàn đi xuống.

Trong khi đó, số liệu của Bamboo Airways khi xin điều chỉnh số lượng máy bay cho biết tính đến ngày 30/4, Bamboo Airways đang lỗ khoảng 329 tỷ đồng. 

Trong góp ý của Bộ GTVT, cơ quan này yêu cầu Bamboo Airways phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ phi công phù hợp với quy mô tăng trưởng đội tàu bay đến năm 2023.

“Không để xảy ra tình trạng tranh giành phi công thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn