Kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các cửa khẩu

Thị trườngThứ Sáu, 21/04/2023 13:15:00 +07:00
(VTC News) -

Ban Chỉ đạo 389 quốc tập huấn về phòng chống vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa, Phú Yên.

Ngày 20/4, tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Tăng cường cơ chế phối hợp

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Huy Anh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, cần kiện toàn năng lực của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi thông qua củng cố nguồn nhân lực và năng lực công nghệ.

Các đại biểu được giới thiệu kiến thức về thương mại điện tử. (Ảnh: QLTT)

Các đại biểu được giới thiệu kiến thức về thương mại điện tử. (Ảnh: QLTT)

Trong đó, chú trọng công tác đào tạo kiến thức cũng như nâng cao chế độ đãi ngộ cho các cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nâng cao hiện quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi như công an, bộ đội biên phòng, hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cửa khẩu.

Đặc biệt, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hóa giả mạo, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để kịp thời phát hiện và xử lý.

Còn theo ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra Thuế, Tổng cục Thuế, để đấu tranh với các hành vi vi phạm nói chung và vi phạm về thuế nói riêng trên các nền tảng thương mại điện tử và quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Đơn cử như Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã ký kết Bản Thỏa thuận phối hợp công tác. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế, đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương đẻ kết nói, chia sẻ các thông tin về website, ứng dụng thương mại điện tử.

Bộ Tài chính và Bộ Thông tin-Truyền thông cũng đã ký kết Bản Thỏa thuận phối hợp công tác để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tải nguyên số.

Cũng theo ông Cường, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ký chương trình phối hợp công tác, Tổng cục Thuế đang phối hợp với Cục An ninh mạng đề trao đôi thông tin về các cá nhân nhận thu nhập lớn từ quảng cáo trên các nên tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook, Tiktok, các cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội Faccbook, Zalo…

Từ các chương trình phối hợp, ký kết này sẽ giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QLTT)

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QLTT)

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh: Sự phát triển của công nghệ nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đã làm thay đổi phương thức kinh doanh và thói quen tiêu dùng truyền thống.

Mô hình kinh doanh dựa trên nên tảng công nghệ xuất hiện đã kết nối những người tham gia giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử. Mô hình này thậm chí đã trở thành một “ngành kinh tế” mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử cũng kéo theo tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, như: một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế.

Thêm nữa, nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế.

Theo ông Đặng Văn Dũng, để phần nào khắc phục những hạn chế trên, trong khuôn khổ nội dung tập huấn các đại diện đến từ các Bộ, ngành sẽ trình bày những chuyên đề trọng tâm, gắn liền với việc triển khai, thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: QLTT)

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: QLTT)

Đồng thời Hội nghị cũng giải đáp những khó khăn, vướng mắt của học viên trong quá trình thi hành công vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Tại hội nghị, gần 200 đại biểu đến từ các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội biên phòng, Thanh tra… được tập huấn với các nội dung về nhận diện phương thức, thủ đoạn và một số giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Cạnh đó, lực lượng QLTT còn được cung cấp chuyên môn thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tỉn truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính và Internet…

CHÂU CHÂU
Bình luận
vtcnews.vn