Khuyến mại di động: Cục Viễn thông xử phạt 5 nhà mạng

Kinh tếThứ Ba, 22/11/2016 14:17:00 +07:00

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản tới tất cả các nhà mạng di động yêu cầu dừng toàn bộ chương trình khuyến mại nạp thẻ tới hết năm 2016.

Đầu tháng này, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản tới tất cả các nhà mạng di động yêu cầu dừng toàn bộ chương trình khuyến mại nạp thẻ tới hết năm 2016 theo quy định của Nhà nước. Văn bản này được đưa ra do các nhà mạng đã dùng hết số ngày khuyến mại của năm 2016 (90 ngày).

Cùng với đó, Cục ra quyết định xử phạt 5 nhà mạng là Gtel, Vietnamobile, MobiFone, Viettel và VinaPhone hơn 1 tỷ đồng do vi phạm về giá cước, khuyến mại. Hành vi vi phạm của nhà mạng là: Không thông báo hoặc không đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, không đăng ký giá cước, khuyến mại vượt mức quy định, bán giá cước dịch vụ thấp hơn giá thành.

Nhà mạng nhờn luật nên phải đưa lên báo?

Khuyen mai di dong: ‘Viettel vi pham nhieu nhat’ hinh anh 1

Thời gian qua, nhà mạng "chạy đua" khuyến mại bất chấp vi phạm pháp luật. Ảnh: H.D.

Trao đổi với PV về việc này, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho hay hàng năm, thanh tra Bộ, thanh tra Cục vẫn thanh kiểm tra và xử phạt các nhà mạng vi phạm. Tuy nhiên, để tăng cường tính răn đe với doanh nghiệp viễn thông, lần này, cơ quan quản lý quyết định công bố thông tin rộng rãi.

Ông Trung lý giải đưa lên báo hay không không phải là quy định bắt buộc. Vi phạm thì rất nhiều và ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng không phải cái gì cũng công khai. Riêng chuyện này, luật không quy định phải công khai nên trước giờ Bộ chưa công khai chứ “không phải giấu giếm gì”.

“Chúng tôi đã có thông báo tới doanh nghiệp về việc này, nhưng doanh nghiệp cố tình vi phạm thì chúng tôi buộc phải làm thế chứ không phải lần đầu họ bị phạt. Đương nhiên vì lợi nhuận nên người ta mới cố tình vi phạm như thế”, ông Trung nói.

Vị này ví von việc nhà mạng cố tình vi phạm chẳng khác nào người dân cố tình vượt đèn đỏ. Một khi doanh nghiệp “phá rào”, cơ quan quản lý nhà nước buộc phải xử phạt.

Nói về quyết định xử phạt 5 nhà mạng là Gtel, Vietnamobile, MobiFone, Viettel và VinaPhone với tổng số tiền bị xử phạt là hơn 1 tỷ đồng, ông Trung cho hay các nhà mạng này bị như thế vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Mỗi doanh nghiệp có một lỗi riêng chứ không đơn thuần là vi phạm số ngày khuyến mại.

Trước ý kiến cho rằng mức phạt như vậy chưa đủ sức răn đe nhất là trong bối cảnh các đại gia viễn thông đã lãi hàng chục nghìn tỷ chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, ông Trung trần tình: “Phạt hay không, mức phạt là bao nhiêu không phải tự chúng tôi đưa ra được mà phải theo luật”.

"Cụ thể, Cục căn cứ vào Nghị định 104 để đưa ra mức phạt cụ thể chứ không phải thích phạt bao nhiêu cũng được. Muốn tăng chế tài phải sửa Nghị định. Tôi nhớ không nhầm thì Viettel bị xử phạt nhiều nhất do vi phạm về giá cước và khuyến mại”, ông nói thêm.

Ông Trung cho biết mỗi nước có chính sách riêng về quản lý khuyến mại của nhà mạng. Có nước không quản lý chuyện đó, có nước quản lý chặt chẽ hơn. Tại Việt Nam, Cục quản lý việc này theo Nghị định 25, Luật Cạnh tranh, Luật về khuyến mại...

“Cho đến thời điểm này, khung pháp lý chưa có gì mới nên chắc trong năm 2017, chúng tôi vẫn quản lý theo quy định hiện hành. Nghị định 174 cũng đã quy định rõ hành vi nào thì bị xử phạt”, ông Trung nhấn mạnh.

Sắp chốt tổng số sim rác sẽ bị khóa

Khuyen mai di dong: ‘Viettel vi pham nhieu nhat’ hinh anh 2

Trong ngày 22-23/11 tới, các nhà mạng sẽ có báo cáo, Bộ sẽ chốt lại con số bao nhiêu sim kích hoạt sẵn (sim rác) sẽ bị khóa. Ảnh: Ngô Minh.

Vị này thông tin thêm trong ngày 22-23/11 tới, các nhà mạng sẽ có báo cáo, Bộ sẽ chốt lại con số bao nhiêu sim kích hoạt sẵn bị khóa.

“Theo thông tư 04, doanh nghiệp không được phép bán những sim có tên người khác (sim kích hoạt sẵn), nhưng thực tế vi phạm lan tràn. Ngoài những chế tài bình thường, vừa qua, Bộ yêu cầu cả 5 nhà mạng ký cam kết với Bộ thực hiện nghiêm việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối”, ông dẫn chứng.

Nói về việc thu hồi sim rác, trao đổi với Zing.vn, đại diện MobiFone cho rằng nếu chỉ một nhà mạng không tuân thủ đúng cam kết sẽ gây ra sự bất ổn trên thị trường và các nhà mạng còn lại sẽ gặp rủi ro trong việc tiếp tục hợp tác với kênh phân phối.

Tuy vậy, ông Trung cho rằng không phải lo chuyện đó vì bản thân doanh nghiệp cũng sẽ có tổ giám sát chéo lẫn nhau xem việc thực hiện thế nào. Hơn nữa, các đơn vị đang triển khai dưới sự giám sát của Bộ.

Đại diện nhà mạng VinaPhone từng trần tình sở dĩ đơn vị này chưa thu hồi hết sim rác vì Cục Viễn Thông “chưa có hướng dẫn cụ thể vi phạm tiêu chí nào thì bị thu hồi, tiền bồi hoàn đại lý như thế nào…”.

Từ chối tiết lộ hướng dẫn cụ thể của Cục với các nhà mạng trong việc này, ông Trung nói: “Mọi việc sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, MobiFone tiết lộ phương án thu hồi gồm các bước: Xác định đối tượng sim đăng ký thông tin không chính xác và tồn trên kênh phân phối; nhắn tin thông báo yêu cầu xác nhận và đăng ký lại thông tin.

Đối với các thuê bao thuộc đối tượng, không đăng ký lại thông tin sẽ bị khóa dịch vụ. Ngoài ra, quá thời hạn sử dụng của thuê bao, thuê bao bị khóa dịch vụ sẽ bị khóa 2 chiều, sau đó áp dụng theo quy định hiện hành kể từ thời điểm khóa 2 chiều.

Về việc triển khai 4G tại Việt Nam, ông Trung nêu quan điểm: “Với các nhà mạng đã được cấp phép, ai có điều kiện triển khai sớm thì cứ triển khai, chúng tôi không quy định gì về chuyện đó”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn