Khủng hoảng Syria: Nga và Pháp thừa nhận bất đồng

Thế giớiThứ Tư, 18/09/2013 07:26:00 +07:00

(VTC News) – Ngoại trưởng Nga và Pháp cho biết đôi bên vẫn không nhất trí quan điểm về lực lượng đứng sau cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria.

(VTC News) – Ngoại trưởng Nga và Pháp cho biết đôi bên vẫn không nhất trí quan điểm về lực lượng đứng sau cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria.

Sau cuộc đàm phán ở Matxcơva, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8.

Nga và Pháp chưa thống nhất về việc ai chịu trách nhiệm vụ tấn công hóa học ở Syria 

"Dựa vào lượng khí sarin được sử dụng, hướng và kỹ thuật tấn công cũng như những yếu tố khác, dường như không có lý do gì để không nghi ngờ chính phủ Bashar al-Assad đứng sau sự vụ này", ông Fabius phát biểu trong một cuộc họp báo ở Nga.

Tuy nhiên, người đồng cấp của ông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Matxcơva có ‘lý do chính đáng’ để tin rằng vụ việc này là sự khiêu khích của lực lượng nổi dậy.

"Chúng tôi có cơ sở vững chắc để tin rằng đây là một sự khiêu khích... Nhưng sự thật thì vẫn cần được làm sáng tỏ và điều này là một thử thách trong tương lai của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", hãng tin BBC dẫn lời ông Lavrov.

Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố trước khi tất cả bằng chứng được xem xét, nước này quyết định sẽ không can thiệp quân sự vào Syria.

Ông cho biết thêm, những nghi vấn của Nga về lực lượng đứng sau cuộc tấn công cũng như việc các vũ khí hóa học được sản xuất ở trong nước hay nước ngoài hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Đồng thời, ông Lavrov nhận định, bất cứ giải pháp nào của LHQ kêu gọi Syria giao nộp vũ khí hóa học cũng không nên đi kèm với đe dọa hành động quân sự.

Bên cạnh đó, các cáo buộc của Mỹ khẳng định Damascus phải chịu trách nhiệm về hành động sử dụng chất hóa học, hãng tin BBC cho hay.
Nạn nhân một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học 

Tuy nhiên, theo thỏa thuận trung gian giữa Nga và Mỹ vào cuối tuần trước, Syria cam kết sẽ công bố các vũ khí trong vòng một tuần và loại bỏ chúng hoàn toàn vào giữa năm 2014.

Hiện Pháp vẫn tìm kiếm giải pháp đối phó với lực lượng chính phủ Syria trước các mối đe dọa có thể xảy ra nếu lời hứa này không được thực hiện.

Ngược lại, Nga cho rằng trước hết, LHP nên tạo cơ hội cho chính quyền Assad từ bỏ vũ khí hóa học.

Trong một tuyên bố hôm 16/9, Matxcơva khẳng định quân nổi dậy không thể lờ đi trách nhiệm trong sự vụ này đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao không có lực lượng đối lập nằm trong số thương vong nếu cho rằng quân đội chính phủ đứng sau sự kiện 21/8.

Hôm 17/9, Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc Mỹ, Pháp và Anh “đã để lộ mục tiêu thật sự... đó là áp đặt ý muốn của họ cho người dân Syria", đồng thời cho rằng những nước này ủng hộ các phần tử thánh chiến Hồi giáo.

Trong một diễn biến khác, sau khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc kiểm tra mẫu máu, tóc , nước tiểu và tên lửa từ hiện trường vụ tấn công chống lại dân thường vào ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết 85% mẫu máu được xét nghiệm dương tính với sarin, và miêu tả vụ việc như một ‘tội ác chiến tranh’.
  
Ông Ban Ki-moon cho rằng: "Có thể chúng ta có những quan điểm  khác nhau nhưng dù thủ phạm là ai đi chăng nữa thì kẻ đó buộc phải chịu trách nhiệm trước công lý”.

Ông cho biết chưa có xác minh cụ thể về con số thương vong nhưng đó là "một sự mất mát khủng khiếp trong ngày 21/8".

Tổng thư ký LHQ cho biết thêm đây là cuộc tấn công khí độc lớn nhất chống lại dân thường kể từ khi chính quyền ông Saddam Hussein sử dụng chúng năm 1988 ở Halabja.

Hải Yến

Bình luận
vtcnews.vn