Không thể đưa con đi khai giảng, lời nhắn của trẻ làm người mẹ ung thư quặn đau

Tin tứcThứ Tư, 20/12/2023 14:11:00 +07:00
(VTC News) -

Con trai út gọi điện nhắn “mẹ ơi, mẹ nhớ về trước khi con đi học nhé” khiến người mẹ đang điều trị ung thư quặn đau, không cầm được nước mắt.

Đã thành thói quen, cứ 5h sáng, chị Nguyễn Thu Hà (50 tuổi, Hải Dương) thức dậy chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình. Với chị, đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất sau khi bản thân chiến thắng căn bệnh ung thư máu cấp tính.

"Gần 8 năm trước, tôi tưởng cuộc đời mình đã chấm dứt. Tôi chưa từng nghĩ mình giờ này được lao động, được cùng các con đón sinh nhật và nhìn thấy con tốt nghiệp đại học”, chị Hà xúc động nói.

Sức khoẻ của chị Nguyễn Thu Hà đã hồi phục. (Ảnh: Gia Thắng)

Sức khoẻ của chị Nguyễn Thu Hà đã hồi phục. (Ảnh: Gia Thắng)

Giữa năm 2015, chị Hà bị viêm họng, ho dai dẳng, uống kháng sinh nhiều đợt vẫn không khỏi. Mãi đến khi sốt không khỏi chị mới quyết định đi khám sức khỏe tổng thể.

Lần đó, chị xác định “đi khám cho yên tâm”, nhưng kết quả chẩn đoán chị bị ung thư máu cấp tính (bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ thể M5). Nhận tin dữ chị đứng không vững, hình ảnh hiện lên trong đầu chị khi đó chính là ba con nhỏ - khi ấy hai con gái sinh đôi vừa tròn 14, lứa tuổi mới lớn luôn cần mẹ ở bên và con trai út mới lên 8 tuổi.

Trước ngày nhập viện, chị gửi 3 con nhờ ông bà chăm sóc. Người phụ nữ không quên dặn “mẹ chỉ đi viện một tháng lại về với các con”. Chị chẳng thể ngờ lần điều trị đó lại phải nằm viện suốt 7 tháng liền do gặp biến chứng viêm phổi trong quá trình truyền hóa chất dẫn đến bội nhiễm.

Khi sắp bước vào năm học mới, con trai út gọi điện nhắn “mẹ ơi, mẹ nhớ về trước khi con đi học nhé”. Lòng chị quặn đau, không cầm được nước mắt vì nhớ con, lo không biết ai sẽ chuẩn bị quần áo, sách vở cho các bé trước ngày khai giảng.

Trong những ngày dài phải truyền thuốc từ sáng đến đêm, cơ thể chị gần như không còn sức sống, trong cơn sốt mê man, rất nhiều lần chị nghĩ “chẳng biết có ngày được về để gặp các con không?”. Cơn đau do tác dụng phụ của thuốc khiến người phụ nữ chùn bước, nhưng nghĩ đến các con, chị lại gắng gượng. 

Trải qua chặng thử thách đầu tiên, chị Hà lại quyết tâm bước vào thử thách tiếp - ghép tế bào gốc.

Tháng đầu trong phòng ghép mọi việc suôn sẻ, nhưng đến tháng thứ 2, chị không may gặp biến chứng virus CMV (Cytomegalovirus), đáp ứng thuốc chậm nên phải điều trị kéo dài thêm vài tuần.

“Đợt đó tôi không ăn uống được, phải cần hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch”, chị Hà nhớ lại. 

Trong ngày tái khám, chị Hà tranh thủ lưu lại khoảnh khắc làm kỷ niệm cùng bác sĩ. (Ảnh: Gia Thắng)

Trong ngày tái khám, chị Hà tranh thủ lưu lại khoảnh khắc làm kỷ niệm cùng bác sĩ. (Ảnh: Gia Thắng)

Theo BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, do người bệnh đáp ứng thuốc chậm, các bác sĩ đã phải tham khảo ý kiến các chuyên gia và thay đổi thuốc điều trị. May mắn người bệnh hợp thuốc, sức khỏe hồi phục dần. 

Chị được bác sĩ thông báo “mảnh ghép mọc tốt”. Ra khỏi phòng ghép, chị Hà không giấu nổi niềm hạnh phúc. Hiện, người phụ nữ đã trở về nhà với gia đình, chăm sóc, làm chỗ dựa tinh thần cho các con và tiếp tục kinh doanh các mặt hàng thể thao. Chị vẫn đều đặn tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, giữ gìn trong ăn uống, sinh hoạt nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Theo chuyên gia, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là cuộc cách mạng trong điều trị. Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện trên 600 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đem đến cơ hội hồi sinh cho rất nhiều bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính.

NHƯ LOAN - TRƯƠNG HẰNG
Bình luận
vtcnews.vn