Không nên đưa quan điểm thẩm mỹ đương đại vào việc trùng tu biệt thự Pháp cổ

Tin nóngChủ Nhật, 16/04/2023 16:45:00 +07:00
(VTC News) -

Theo giới chuyên môn, dư luận đang nhìn màu sắc ngôi biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội dưới quan điểm thẩm mỹ của thời đại ngày nay nên mới dẫn đến các phản ứng tiêu cực.

Câu chuyện biệt thự Pháp cố ở số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tu bổ và sơn lại màu đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong đó, không ít ý kiến tỏ ra “không ưa" màu sơn hiện tại của công trình.

Trả lời VTC News về vấn đề này, TS.KTS. Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng - nhấn mạnh việc trùng tu các công trình đều liên quan tới những cơ sở khoa học đã được chứng minh. Việc tạo màu sơn thế nào, chỉnh sửa hình dáng ra sao cần dựa trên các dữ liệu khảo sát khoa học, chứ không thể chiều theo ý kiến của dư luận mà làm sai khoa học.

“Với góc độ của một nhà chuyên môn, tôi nghĩ là không cần phải thay đổi màu sơn căn biệt thự, bởi vì tôi tin chắc nó phải dựa trên một căn cứ khoa học trước khi đưa vào trùng tu. Cái nhìn của dư luận thực chất chỉ mang quan điểm thẩm mỹ của thời đại hiện nay. Nếu xây một công trình mới thì không sao nhưng nếu chúng ta trùng tu, tức là trả lại những cái gọi là dữ liệu lịch sử nguyên gốc cho công trình thì chúng ta không nên thay đổi theo dư luận”, KTS Trương Ngọc Lân nêu quan điểm.

Không nên đưa quan điểm thẩm mỹ đương đại vào việc trùng tu biệt thự Pháp cổ - 1

Biệt thự Pháp ở số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gây nhiều tranh cãi về màu sơn mới.

Lý giải việc nhiều người Hà Nội cảm thấy khó chịu, khó nhìn với màu sơn mới của biệt thự Pháp cổ, ông Lân nêu 3 lý do chính.

Thứ nhất, tư duy thẩm mỹ của con người thời hiện đại có phần hơi khác xưa. Ngày nay, con người thường thiên về các phong cách thẩm mỹ với các tác phẩm nhẹ nhàng, những màu tương phản ít chênh lệch. Mọi người thường quy chiếu tư duy ngày nay cho những điều mà họ nhìn thấy, điều này sẽ mang tới cho họ cảm giác “có vẻ như màu biệt thự hơi bị chói và khác biệt”.

Không nên đưa quan điểm thẩm mỹ đương đại vào việc trùng tu biệt thự Pháp cổ - 2

lan.jpeg

Tôi nghĩ là không cần phải thay đổi màu sơn, bởi vì tôi tin chắc nó được phải dựa trên một căn cứ khoa học trước khi đưa vào trùng tu.

KTS Trương Ngọc Lân

Thứ hai, nhiều người luôn mặc định những công trình của Pháp hay những công trình cổ phải có màu sắc nhẹ nhàng và gần như đơn sắc, giống như công trình Nhà Hát Lớn Hà Nội đã làm. Tuy nhiên quan điểm đó không hoàn toàn chính xác, bởi mỗi kiến trúc thường sẽ có nhiều phong cách ở mỗi thời đại, cũng như có cách trang trí thẩm mỹ khác nhau.

Thứ ba, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, có lẽ đa số người dân không thực sự hiểu rõ về quy trình và mục đích của việc trùng tu nên họ cho rằng màu sơn đó có thể là do các nhà trùng tu đang tự “bịa ra”.

"Thực tế, để có những màu sắc hiện diện trên ngôi biệt thự Pháp cổ, những người trùng tu, các chuyên gia đều phải phải căn cứ trên các hồ sơ khoa học, các khảo sát thực địa, khảo cổ ngay trên chính công trình. Đồng thời, họ phải đối chiếu với các tư liệu còn sót lại, mới có thể xác định được màu sắc như vậy", vị chuyên gia nói.

Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, trước làn sóng phản ứng trái chiều của dư luận, nếu những người trùng tu, chủ sở hữu của công trình không đủ bản lĩnh, đủ cứng rắn thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo.

“Điều này đã từng xảy ra ở rất nhiều công trình như cổng thành Sơn Tây, Ô Quan Chưởng rồi đến công trình Nhà Hát Lớn, Bưu điện TP.HCM... đều bắt nguồn từ việc quy chiếu tính thẩm mỹ đương đại với các công trình trùng tu. Việc này dẫn đến người dân có phản ứng tương đối tiêu cực, từ đó đã có những trường hợp phải thay đổi màu theo chiều hướng dư luận.

Tại Việt Nam, các nhà quản lý và những người làm kỹ thuật đôi khi thường bị ảnh hưởng bởi chiều hướng của dư luận. Đặc biệt là các nhà quản lý, nếu thấy dư luận có phản ứng, họ thường ngại đối mặt. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và mặt chuyên môn của người trùng tu”, TS.KTS Trương Ngọc Lân chia sẻ.

Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, điều quan trọng nhất là việc phổ biến thông tin, quy trình trùng tu ngôi biệt thự Pháp cho công chúng. Điều này sẽ giúp rộng đường, tránh gây ra tranh cãi trong dư luận, vừa giúp mọi người biết rõ hơn về nguyên tắc làm việc, tính khoa học trong trùng tu nói chung và việc xác định màu sơn hay họa tiết trang trí nói riêng.

Còn theo KTS Nguyễn Trần Bắc (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam), trước khi tranh cãi, mọi người cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng, ngôi biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo đang được bảo tồn theo quan điểm nào. Ông Bắc cho rằng sẽ có hai quan điểm cần được nhìn nhận: Thứ nhất là bảo tồn, phục dựng nguyên trạng, điều này cần phải được nghiên cứu rất kỹ dựa trên cơ sở khoa học. Thứ hai là bảo tồn để thích ứng với thời đại. Hai quan điểm này sẽ đem đến những kết quả khác nhau.

“Hiện dư luận đang nhìn màu ngôi biệt thự một cách cảm tính, nhìn theo kiểu “quen mắt” nên mới dẫn đến việc gây tranh cãi trong dư luận. Theo tôi, cần phải tìm hiểu kỹ kiến trúc đó bắt nguồn từ đâu, sau đó mới đến câu chuyện về màu sắc. Quan trọng nhất vẫn cần hiểu rõ dự án trùng tu này đang được bảo tồn theo quan điểm nào”, KTS Nguyễn Trần Bắc chia sẻ.

Chiều 15/4, UBND quận Hoàn Kiếm cùng chuyên gia Pháp đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài".

Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án này cho biết, dự án chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng, chưa hoàn thiện. Tuy nhiên các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu. "Đây là những gam màu gốc và chúng tôi khẳng định tôn trọng bản gốc của công trình”, vị chuyên gia nói.

Ông cho biết thêm, khi thực hiện dự án bảo tồn này, đơn vị tư vấn không tìm thấy tư liệu gốc của công trình. Nếu tìm được cũng là tài liệu đen trắng, không thể hiện được màu sơn. Tuy nhiên, trong quá trình thám sát các lớp vữa bên ngoài công trình, đơn vị tư vấn tìm được lớp vữa gốc có gam màu đỏ. Sau 100 năm, lớp màu có thay đổi nhất định. Dựa trên một số bức ảnh màu cổ chụp về các công trình Hà Nội cho thấy đã có sự phối màu giữa line vàng và line đỏ cùng với các đường chỉ giả gạch. 

Kim Nhung
Bình luận
vtcnews.vn