Không hỏi bài đầu giờ bất chợt, giáo viên nêu cách đổi mới đánh giá học sinh

Diễn đànThứ Năm, 21/09/2023 14:59:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều giáo viên cho rằng đã bỏ kiểm tra đầu giờ bất chợt, học thuộc lòng và thay vào đó là các hình thức kiểm tra đánh giá mới, phù hợp mục tiêu giáo dục hiện nay.

Cô Nguyễn Thụy Kiều Phương, giáo viên bộ môn Lịch Sử - Địa Lý của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) bắt đầu tiết học mới "Các cuộc phát kiến địa lí" bằng hoạt động khởi động - Nhìn hình đoán tên.

Không khí lớp học sôi nổi, khi liên tục những cánh tay giơ lên để xung phong trả lời. Đây là cách để giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học trước đó. 

"Không còn là 15 phút đầu giờ căng thăng và đầy áp lực nữa, tôi muốn các em được thoải mái trước khi bước vào môn học mới. Ở tất cả các môn, giáo viên luôn cố gắng tìm các hoạt động trò chơi, quay ô số, đoán hình nền hay tiếp sức, để giúp các em khởi động một cách nhẹ nhàng nhất trước khi bước vào bài học mới", cô Phương chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho học sinh khởi động với hoạt động - Nhìn hình đoán tên - trước khi vào bài mới. (Ảnh minh họa)

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho học sinh khởi động với hoạt động - Nhìn hình đoán tên - trước khi vào bài mới. (Ảnh minh họa)

Theo cô Kiều Phương, thực tế, học sinh đã quen với cách thức này lâu nay, chứ không phải bây giờ mới áp dụng. Trường THCS Nguyễn Du luôn xây dựng các hình thức học tập đổi mới theo quy định và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng nhà trường hạnh phúc, giờ học hạnh phúc.

Cô Phương cho biết thêm, trước đây, giáo viên thường áp dụng dò bài trước giờ vào học. Tuy nhiên, đối với cô, sau khi kết thúc bài học mới, cô sẽ cho học sinh phác thảo sơ đồ tư duy để củng cố bài học cuối giờ. 

"Sau mỗi tiết, tôi thường cho các em hệ thống lại kết quả đã học, để xem các em nắm được kiến thức ngày hôm nay thế nào. Việc phác thảo sơ đồ tư duy giúp các em cần phải tập trung trong giờ học để lắng nghe và ghi nhớ, như vậy sẽ nhớ được rất lâu. Thực tế cho thấy, năm học 2022 - 2023, khối lớp 6 có tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 95%, các em đều hứng thú với cách đổi mới này của giáo viên", cô Phương nói.

Đa số học sinh đều cho rằng, thay đổi hình thức kiểm tra đầu giờ tạo cảm giác thú vị, giảm bớt cảm giác lo lắng và có thể ghi nhớ được kiến thức lâu hơn.

Vũ Đăng Khoa, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Du, cho biết: "Em thấy hình thức vào tiết học của cô giáo rất hay và sáng tạo, thoải mái. Đầu giờ học không còn áp lực như trước nữa, tối em cũng có thể đi ngủ sớm hơn chứ không đến nỗi phải thức khuya học thuộc để sáng mai lên trả bài”.

Thầy Đặng Hữu Trí, Tổ trưởng tổ Toán Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho rằng, hiện nay, các nhà trường đang dạy học theo mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc.

“Mỗi ngày đến lớp của học sinh phải là một ngày hào hứng, vui vẻ. Phải tạo cho các em cảm giác mong đợi được đi học chứ không phải lo lắng, sợ sệt”, thầy Trí nhấn mạnh.

Theo thầy Trí, ở tất cả các môn, nhà trường đều áp dụng khởi động trước giờ học. Riêng môn Toán sẽ tổ chức kiểm tra bằng hình thức giao học sinh thực hiện sản phẩm học tập ứng dụng kiến thức như thiết kế giác kế. Sau đó, học sinh sẽ tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường với nhiệm vụ sử dụng sản phẩm của mình để đo chiều cao ở các công viên.

“Phương pháp đổi mới trong dạy học đã được áp dụng từ lâu. Thực ra, việc giáo viên dò bài là để kiểm tra học sinh có ghi nhớ được kiến thức hay không để từ đó có thể áp dụng làm bài tập, sau này áp dụng vào cuộc sống. Hiện nay, giáo viên cũng cần chuyển mình theo mục tiêu giáo dục mới, không nên áp dụng phương pháp cũ gây lo lắng cho học sinh”, thầy Trí nói.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du trong tiết học Lịch sử - Địa lý.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du trong tiết học Lịch sử - Địa lý.

Còn theo thầy Nguyễn Phan Nhật Tân, giáo viên Toán - Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), việc bỏ dò bài thuộc lòng đầu giờ kiểu bất chợt đã được thực hiện từ lâu. Theo đó, giáo viên sẽ có hình thức kiểm tra đánh giá khác nhau và học sinh được thông báo trước.

Thầy Tân cho biết, với đặc thù môn Toán, là môn cần học công thức, nhớ để làm bài, vì vậy thầy thường cho học sinh làm các bài mô hình thực tiễn. Như vậy, để làm tốt, chắc chắn các em phải ghi nhớ các công thức. Ngoài ra, rất nhiều đồng nghiệp khác cũng đổi mới phương pháp kiểm tra kiến thức như làm sản phẩm, làm bài thực hành, thuyết trình nhóm... 

Theo thầy Tân, hiện việc đánh giá học tập theo quy định mới, cho nên có thể có giáo viên vẫn áp dụng hỏi bài đầu giờ để xem các em có ghi nhớ công thức không, chứ không phải xem đó là cách để lấy điểm. 

Đồng quan điểm, ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Fudubank tại TP.HCM (chuyên về kỹ năng), cho biết, không hề khuyến khích hình thức học thuộc bài để trả bài.

“Theo tôi, hiện nay vẫn còn đâu đó một số giáo viên áp dụng hình thức trả bài để đì học sinh, ép học sinh đi học, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em”, ông Thanh cho hay.

Ông Thanh cho biết thêm, mục tiêu dạy học bây giờ là truyền cảm hứng, phải làm cho học sinh thích thú với môn học, tự nhiên học sinh sẽ tự giác học môn đó.

“Từ trước, học sinh ý thức tự học và các phương pháp học tập chưa được hình thành tốt nên mới phải áp dụng những phương pháp khuôn khổ như vậy, để giúp học sinh có ý thức học tập hơn. Tuy nhiên, thầy cô cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra kiến thức linh hoạt hơn để tránh gây tâm lý áp lực cho học sinh”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ngày 12/9, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TP.HCM cho hay, hiện vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ, gọi học sinh trả bài theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này vô tình sẽ gây áp lực cho học sinh.

Ông Hiếu nhấn mạnh hình thức, chất lượng giảng dạy góp phần quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tự tin. Giáo viên có thể mở đầu tiết dạy bằng hình thức nhẹ nhàng, sinh động, giúp học trò thích thú, hứng khởi với giờ học.

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn