Khó tin: Đập thủy điện có thể vỡ do thiếu...2 tỷ đồng

Thời sựThứ Bảy, 08/09/2012 01:00:00 +07:00

(VTC News) – Không chỉ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 mà nhiều đập thủy điện lớn khác có thể vỡ mà không dự báo trước được do… thiếu 2 tỷ đồng.

(VTC News) – Không chỉ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 mà nhiều đập thủy điện lớn khác có thể vỡ mà không dự báo trước được do… thiếu 2 tỷ đồng.

Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu trong cuộc trao đổi với PV VTC News.

- Như ông từng chia sẻ, cường độ của các trận động đất ở khu vực Sông Tranh 2 đang ngày càng tăng lên. Phải chăng việc xử lý sự cố trên là bài toán khó đối với các nhà khoa học ở Việt Nam?

Thực ra việc này đã xảy ra từ 1 – 2 năm trở lại đây và UBND tỉnh Quảng Nam cũng từng có những kiến nghị đối với các nhà khoa học địa chấn. Đã có những chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu và Viện Địa chất vào tận nơi để khảo sát.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu (Ảnh: Kiều Vui) 
Tuy nhiên, đó chỉ là những khảo sát ban đầu và chỉ ghi nhận được những hiện trạng rồi để đấy thôi.


Muốn giải quyết vấn đề này một cách triệt để, theo kiến nghị của một số nhà khoa học từng nêu trong các hội thảo, hội nghị, chúng ta cần thiết lập hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc địa chấn nhỏ tại ngay chính khu vực đó.

Nói cách khác, chúng ta phải có kinh phí mua máy móc, thiết bị cắm ở khu vực đó thì mới ghi nhận được hết các trận động đất ở địa phương. Nếu chỉ có trạm ở tận Ninh Bình hay các trạm quan trắc quốc gia thì sẽ bỏ sót các trận động đất nhỏ, chỉ biết được những trận động đất lớn mà thôi.

Sau những chuyến khảo sát từ năm ngoái, các nhà khoa học đã khuyến cáo cần phải thiết lập một mạng lưới đài, trạm quan trắc địa chấn ở địa phương.

Dựa trên những số liệu quan trắc được đo, chúng ta mới dự báo được xu thế và khả năng chấn động cực đại của khu vực đó trong tương lai. Từ đó mới có cơ sở vững chắc để có những phát ngôn có khoa học, chứ không nói chung chung như hiện nay được.


Tất cả các nhà máy thủy điện, đặc biệt là những khu vực thủy điện lớn nên có thêm một tiêu chí là phải có trạm quan trắc địa chấn ở gần đó để theo dõi diễn biến của hoạt động động đất ở địa phương đó. Khi có những dự báo chuẩn xác thì mới có thể giảm được thiệt hại.

 

Tất cả các nhà máy thủy điện. đặc biệt là những khu vực thủy điện lớn nên có thêm một tiêu chí là phải có trạm quan trắc địa chấn ở gần đó để theo dõi diễn biến của hoạt động động đất ở địa phương đó.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Các nhà khoa học Việt Nam thì có đủ các kiến thức, chất xám để giải quyết vấn đề đó một cách triệt để. Tuy nhiên, chúng ta gặp khó về mặt kinh phí xây dựng các trạm.

Mỗi lần xin được kinh phí thì mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục rồi còn phải chờ kết quả từ các cuộc họp bàn bạc xem liệu làm vậy có khả thi hay không, có cần thiết hay không.


- Hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện lớn tại Việt Nam bao gồm cả nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đều chưa có trạm quan trắc địa chấn. Vậy kinh phí để xây dựng một trạm quan trắc địa chấn là bao nhiêu và chúng ta gặp khó ở đâu?

Cần phải có kinh phí của chính phủ và chính quyền địa phương mới có thể xây dựng được các trạm quan trắc địa chấn đó. Một trong số những nguyên nhân khiến các trạm quan trắc địa chấn chưa được xây dựng ở các địa phương chắc chắn là do kinh phí.

Theo dự án được trình lên, sẽ chỉ cần khoảng 2 tỷ đồng là có thể xây dựng được một trạm quan trắc với 5 – 6 máy ghi địa chấn ở địa phương. Tuy nhiên, dự án đã trình sang đến nay là sang năm thứ 2 rồi, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục phải chờ đợi, chứ chưa có bất kì nguồn kinh phí nào cả.

Vẫn biết là kinh phí để đầu tư cho việc mua máy móc, thiết bị ghi địa chấn không phải lúc nào cũng có do khoản chi khá lớn. Do vậy, chúng tôi chỉ xin kinh phí để xây dựng các trạm quan trắc địa chấn ở những khu vực trọng điểm ví dụ như gần những nhà máy thủy điện lớn.

Tại Sông Tranh 2, sau khi đập thủy điện đó bị đe dọa, thậm chí bị rò rỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới mua máy đo gia tốc để đặt, nhưng chủ yếu lại đặt trên nóc đập và trên vai đập để đo rung chấn. Đây vẫn chỉ được xem là giải pháp tình thế mà thôi.

Chúng ta phải đưa việc xây dựng các trạm quan trắc địa chấn gần các nhà máy thủy điện lớn vào luật thì mới an toàn được.

- Đoàn khảo sát của Viện sẽ phải hoàn thành những gì trong khoảng thời gian nghiên cứu, khảo sát ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)?


Trong khoảng thời gian ở Quảng Nam, đoàn sẽ phải làm một số việc sau:

Thứ nhất, phải xác định xem tâm chấn thực sự nằm ở đâu. Có thể dùng máy móc để đo, sau đó lấy thông số để biết được tọa độ của nó nằm ở đâu, tuy nhiên, nếu làm vậy sẽ có sai số. Do đó, chúng tôi phải tới tận nơi xem có thực là động đất xảy ra ở đó không khi đó mới chính xác hóa được tâm chấn trên bản đồ.

Thứ hai, họ phải khảo sát các khu vực xung quanh. Đoàn sẽ phải đi tới từng nhà dân để hỏi xem người dân có cảm nhận được sự rung động hay không và gia đình họ chịu thiệt hại như thế nào.

Trên cơ sở của kết quả điều tra đó, người ta sẽ dựng lên bản đồ đường đẳng chấn. Theo hướng của đường đẳng chấn đó, người ta có thể xác định được nguyên nhân dẫn tới trận động đất đó.

Quan trọng nhất là phải có được kết luận cuối cùng bằng báo cáo chuyên môn của đoàn khảo sát trong đó dự báo khả năng động đất có thể gây ra thiệt hại hay không trong tương lai gần.

Theo ông, chúng ta rút ra được bài học gì từ cách xử lý thảm họa động đất, sóng thần của Nhật Bản hồi năm ngoái?


Bài học lớn nhất là ngay cả những nước giàu có và nhiều nhân tài như Nhật Bản, người ta có tới hàng nghìn trạm quan trắc địa chấn, trình độ, kĩ thuật thuộc hàng cao cấp mà ngay khi có động đất xảy ra, các tàu, xe dừng ngay tại chỗ, không di chuyển nữa mà vẫn bị thiệt hại nặng nề như vậy thì chúng ta càng phải quan tâm tới chuyện an toàn.

Chúng ta chưa có hiểu biết rộng rãi, nhiều người dân chưa được phổ cập kiến thức về cách ứng phó khi xảy ra động đất, chúng ta cũng chưa có trình độ kĩ thuật cao như Nhật Bản, lại không có thói quen làm việc một cách có trật tự, trách nhiệm nên sẽ dễ xảy ra rủi ro khi có sự cố.

Do vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác, đề phòng, thiếu cái gì phải bổ sung cái đó.

- Chúng ta có nên mời các chuyên gia, các nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm ở nước ngoài về giúp xử lý sự cố này không?


Theo tôi thì không cần. Tại Việt Nam, có đầy đủ các chuyên gia có thể đảm nhiệm rất tốt nhiệm vụ đó. Chúng ta chỉ thiếu sự quan tâm của các nhà chức trách, thiếu kinh phí để thực hiện tất cả các nghiên cứu khoa học của mình mà thôi.

Thực ra những người nước ngoài vào Việt Nam cũng vẫn phải tìm hiểu xem địa chấn ở khu vực đó như thế nào, lịch sử phát triển của nó ra sao mà những việc đó, họ không thể giỏi bằng các chuyên gia Việt Nam được.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn