Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G20: Tham vọng cải cách nền quản trị toàn cầu

Thời sự quốc tếThứ Năm, 22/02/2024 15:20:47 +07:00

Hội nghị Ngoại trưởng G20 mở đầu bằng lời kêu gọi cải cách Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương để ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu.

Đói nghèo, biến đổi khí hậu và các căng thẳng gia tăng trên toàn cầu là trọng tâm Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) khai mạc ngày 21/2 tại Rio de Janeiro, Brazil. Đây là cuộc gặp đầu tiên diễn ra dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Brazil trong bối cảnh thế giới đang ngày càng bị phân cực do các cuộc cuộc khủng hoảng và xung đột.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 mở đầu bằng lời kêu gọi của Ngoại trưởng nước chủ nhà Mauro Vieira yêu cầu cải cách Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương để ứng phó tốt hơn với các thách thức và ngăn chặn xung đột toàn cầu.

“Các thể chế đa phương không được trang bị đầy đủ để đối phó với những thách thức hiện tại. Điều này đã được chứng minh bằng sự tê liệt không thể chấp nhận được của Hội đồng Bảo an trong giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra. G20 có thể là diễn đàn quốc tế quan trọng nhất, nơi các quốc gia có quan điểm đối lập vẫn có thể ngồi vào bàn và có những cuộc đối thoại hiệu quả mà không nhất thiết phải gánh chịu sức nặng của những quan điểm cứng nhắc đã ngăn cản sự tiến bộ tại các diễn đàn khác, chẳng hạn như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, ông Vieira nhấn mạnh.

Đói nghèo, biến đổi khí hậu và các căng thẳng gia tăng trên toàn cầu là trọng tâm Hội nghị Ngoại trưởng G20 khai mạc ngày 21/2 tại Rio de Janeiro. (Ảnh: AP)

Đói nghèo, biến đổi khí hậu và các căng thẳng gia tăng trên toàn cầu là trọng tâm Hội nghị Ngoại trưởng G20 khai mạc ngày 21/2 tại Rio de Janeiro. (Ảnh: AP)

Được thành lập vào năm 1999, G20 tập hợp hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không chỉ dừng lại ở một diễn đàn kinh tế, G20 đang tham gia ngày càng nhiều vào chính trị quốc tế. Với tham vọng đưa Brazil trở lại vị trí trung tâm của ngoại giao toàn cầu, trên cương vị Chủ tịch G20, Tổng thống Lula da Silva đã coi việc “cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và thúc đẩy sự đại diện mạnh mẽ hơn của các quốc gia đang phát triển” là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc xung đột tiếp diễn tại Ukraine và dải Gaza, giới ngoại giao không lạc quan về khả năng các nước thành viên G20 dễ dàng thống nhất về những đề xuất cải thiện quản trị toàn cầu. Triển vọng đạt được những tiến bộ lớn thông qua G20 cũng khó khăn hơn khi khoảng 50 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay, bao gồm cả các thành viên chủ chốt của G20 như Mỹ, Nga.

Chỉ 1 ngày trước Hội nghị Ngoại trưởng G20, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã một lần nữa thất bại trong việc thúc đẩy thông qua một nghị quyết về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, triển vọng bi quan về cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến các nước thành viên G20 bị chia rẽ hơn bao giờ hết. 

Đáng chú ý, Hội nghị ngoại trưởng G20 lần này sẽ có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, song không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Lần gặp nhau gần đây nhất giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu Nga-Mỹ là tại Ấn Độ vào tháng 3/2023.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 dự kiến ​​sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Sao Paulo và cuộc họp thứ hai của các Ngoại trưởng G20 sẽ vào tháng 9 tới.

 

Thu Hoài (VOV1 (Tổng hợp) )
Bình luận
vtcnews.vn