Học viên Bách Khoa cãi thầy: Nên có sự cảm thông

Giáo dụcThứ Hai, 23/04/2012 07:35:00 +07:00

(VTC News)- Trường hợp học viên cãi thầy là sai nhưng trong quan hệ thầy trò nên có tôn trọng, hiểu và cảm thông đối với hoàn cảnh của nhau.

(VTC News)- Trường hợp học viên cãi thầy là sai nhưng trong quan hệ thầy trò nên có tôn trọng, hiểu và cảm thông đối với hoàn cảnh của nhau.

Tin "nóng" học viên ĐH Bách Khoa cãi thầy




Xung quanh vụ việc thầy trò ĐH Bách Khoa Hà Nội “khẩu chiến” giữa lớp gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, PGS.TS Phạm Văn Khôi (Khoa BĐS&KTTN – ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), người có hàng chục năm dạy cho các thế hệ học viên cao học, các lớp tại chức có đôi điều chia sẻ xung quanh sự việc.

Việc giảng dạy tại các lớp cao học và các lớp tại chức thì việc gặp phải những học viên lớn tuổi hơn mình là một chuyện hết sức bình thường. Nhưng không phải vì học viên lớn tuổi hơn mà có thể có thái độ vô lễ với thầy giáo đứng lớp.

Trong trường hợp này, một học viên có hành động cãi thầy trên lớp để rồi sự việc bị đẩy lên cao trào là không thể chấp nhận được. Sự việc này đã làm ảnh hưởng tới học viên khác trong lớp khiến lớp học phải dừng giữa chừng.

Bên cạnh đó, người học viên kia cũng là một người thầy, lại nói rằng mình đã đóng tiền học để biện minh cho một số hành động của mình lại càng không được.

Quan hệ thầy trò cần phải xây dựng trên sự tôn trọng, hiểu và cảm thông lẫn nhau 
Tuy nhiên, xét trong cụ thể trường hợp này, có thể hiểu được nguyên nhân của việc phản ứng lại gay gắt với thầy của học viên kia là do ảnh hưởng của rượu bia anh ta đã uống trước đó. Thời điểm anh học viên cãi lại thầy cũng chỉ là một cá biệt, không đại diện cho toàn bộ con người anh ta.

Cũng cần thấy rằng ngay sau khi sự việc xảy ra, ngay trong buổi sáng ngày hôm sau anh học viên kia đã chủ động gọi điện, nhắn tin xin lỗi thầy giáo và trình bày lại nguyên nhân dẫn tới hành vi không đúng mực trong buổi tối hôm trước. Điều đó lại càng khẳng định anh ta đã nhận ra lỗi và thành tâm trong việc sửa đổi.

Vì vậy, cũng không nên đưa chuyện này trở thành một cái gì đó đao to búa lớn.

Nhân nói về câu chuyện của anh học viên cao học của ĐH Bách Khoa Hà Nội, tôi lại nhớ về một sự việc xảy ra vào năm 1988 khi tôi dạy cho một lớp về nâng cao khả năng quản lý cho các cán bộ ở Sơn Tây.

Khi đó, có một anh là thị ủy Sơn Tây khi vào lớp học lại thường gác chân lên ghế của người ngồi trước trông rất mất mỹ quan lớp học và tạo ra tâm lý học tập không nghiêm túc. Tôi đi xuống và đưa mắt nhìn anh ta nhưng không nói gì.

Tuy nhiên, bằng nhạy cảm của người lãnh đạo anh ta ngay lập tức bỏ chân xuống và học tập rất nghiêm túc. Kết thúc buổi học, khi ra uống nước bên ngoài anh thị ủy Sơn Tây đã chắp tay xin lỗi tôi và trình bày nguyên nhân rằng đó là thói quen thường ngày ở nhà chứ không phải anh ta có ý coi thường giảng viên đứng lớp.

Tôi cũng xin lỗi lại anh ta vì không biết rằng đó là một thói quen của anh ấy mà có lời nhắc nhở khéo léo và cũng đã đánh giá sai về con người anh ta. Ngay lập tức, người học viên này lại tiếp tục chắp tay xin lỗi và cảm tạ thầy.

Qua sự việc này thì cần thấy rằng quan hệ thầy trò phải được xác lập trên 2 phía, cần có sự tôn trọng lẫn nhau và hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của nhau.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng quan hệ tôn kính giữa thầy và trò cũng không còn được như xưa. Qua lời kể của bố mẹ, qua các tài liệu sách báo thì thấy rằng giờ đây cái uy của người thầy cũng không được như thời kỳ phong kiến xưa.

Nguyên nhân của quan hệ thầy trò không còn được như xưa, theo tôi có lẽ có khởi nguồn từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đó là thời kỳ chúng ta đang cố rút ngắn khoảng cách giữa cha con, thầy trò nên một số lý do đã tạo cho mối quan hệ thầy trò không còn được tôn nghiêm như ngày xưa.

Gần đây, khi quan hệ kinh tế thị trường xâm nhập vào nhà trường thì một số ông thầy vì sinh nhai nên đã đánh mất mình. Tuy nhiên số giáo viên như vậy ít thôi. Nghề giáo buộc chúng tôi luôn phải giữ mình.

Có một lần đi dạy tại địa phương, tôi chợt nghe thấy ban cán bộ lớp đó bàn tán với nhau rằng vừa đi thầy này bằng này, tiếp thầy kia ra sao… tôi đã từ chối thẳng thừng khi lớp học viên đó cảm ơn tôi sau khi kết thúc đợt giảng.

Có trường hợp nhiều nơi, ban cán sự lớp đứng ra thâu tóm việc thu tiền của các học viên để hưởng lợi. Đó là trường hợp của một anh bạn khi kết thúc đợt giảng dạy thì lớp học viên có gửi 1 phong bì có 500 nghìn đồng để cảm ơn thầy trong khi đó người thân của anh này cho biết “chúng cháu đã phải đóng mỗi người `100 nghìn đồng” và lớp học có khoảng 30 người.

Người thầy giỏi là người thầy phải biết truyền niềm đam mê và hứng thú cho học trò để các em cũng có niềm yêu thích với việc học. Người thầy không thể dùng sở trường của mình để trị sở đoản của học sinh mà phải biết giúp đỡ để các em phát triển.

Bản thân tôi cũng từng là học sinh tôi cũng hiểu đã là một học sinh thì ai chẳng thích đi muộn, về sớm, cũng reo vui khi thầy giáo cho nghỉ sớm...

Nói đến đây tôi chợt nhớ về câu chuyện trong một lần sang công tác tại đất nước Lào để giảng dạy cho Bộ trưởng Bộ GTVT và các cán bộ của nước bạn. Tôi rất bất ngờ khi ở đó sự tôn sư trọng đạo vẫn còn được thể hiện rất rõ.

Dù là các cán bộ cao cấp nhưng trong giờ ra chơi, khi đi uống nước những học viên này vẫn không dám đứng trước mặt thầy trò chuyện mà thường đứng vây xung quanh ở phía sau.

Khởi Nguyên(lược ghi)


Bình luận
vtcnews.vn