Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Thị trườngThứ Sáu, 30/12/2022 06:26:00 +07:00
(VTC News) -

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý bán hàng đa cấp nhằm hướng đến sự phát triển lành mạnh và nâng cao tính minh bạch của hoạt động bán hàng đa cấp.

Lúc 10 - 11h hôm nay 30/12, Báo điện tử VTC News tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Quá trình hoàn thiện pháp luật quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam”. Tọa đàm nhằm thông tin đến bạn đọc quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp nhằm quản lý và nâng cao tính minh bạch của ngành nghề kinh doanh này. Tham dự toạ đàm có đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Hiệp Hội bán hàng Đa cấp Việt Nam, Herbalife Nutrition Việt Nam.

Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam - 1

Sắp có quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, ngày 12/3/ 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, qua rà soát từ thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý. 

Trên cơ sở đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã được Bộ Công Thương giao xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP với mục tiêu là tiếp tục nâng cao tính minh bạch, giảm tối đa nguy cơ lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính, nâng cao tính khả thi pháp luật và hiệu quả quản lý tại địa phương. 

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp, đặc biệt đối với sản phẩm là thực phẩm theo các hình thức:

Cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh...

Quy định này được bổ sung với mục đích để doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp nhận thức rõ tính nghiêm trọng khi vi phạm những hành vi này trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Dự thảo bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm bán hàng đa cấp) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công Thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương).

Nhiều chuyên gia cho rằng, những quy định mới tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, giảm tối đa nguy cơ lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính, nâng cao tính khả thi pháp luật và hiệu quả quản lý tại địa phương.

Hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ 1998, bắt đầu phát triển mạnh từ 2000. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp. Vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý bán hàng đa cấp là rất cần thiết. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, trên thị trường Việt Nam có 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, doanh thu có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 16% trong giai đoạn 2015-2020, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019). Trong 3 năm vừa qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn tăng trưởng.

VTC News
Bình luận
vtcnews.vn