Hoàn Cầu thời báo: Hiến pháp mới cho phép hải quân Nhật áp sát Trung Quốc ở Trường Sa

Thế giớiThứ Hai, 21/09/2015 05:27:00 +07:00

(VTC News) – Việc thay đổi hiến pháp sẽ cho phép hải quân Nhật Bản không chỉ phòng thủ trong vùng lãnh hải của Tokyo mà còn có thể xuất hiện ở các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

(VTC News) – Truyền thông Trung Quốc nói việc thay đổi hiến pháp sẽ cho phép hải quân Nhật Bản không chỉ phòng thủ trong vùng lãnh hải của Tokyo mà còn có thể xuất hiện ở các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc gọi việc Nhật thay đổi hiến pháp với nội dung cho phép quân đội nước này “xuất hiện ngoài biên giới Nhật Bản và được phép bảo vệ đồng minh” là ‘Hiến pháp chiến tranh của chính phủ Abe’.
Tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản trong một cuộc tập trận
Tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản trong một cuộc tập trận 
Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm nay đăng bài xã luận với tiêu đề: 'Thay đổi hiến pháp, Nhật Bản sẽ đi theo hướng nào?'. Nội dung bài viết nói ‘Hiến pháp chiến tranh’ của Thủ tướng Nhật Abe thực chất là bộ luật “cho phép Nhật Bản phát động chiến tranh như các quốc gia bình thường khác”.
Báo này cũng nói việc Hạ viện và Thượng viện Nhật thông qua hiến pháp mới trong lúc “bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của đảng đối lập và đông đảo người dân Nhật”. Điều khiến truyền thông Trung Quốc cũng quan tâm là việc thay đổi hiến pháp sẽ cho phép hải quân Nhật áp sát Trung Quốc ở Trường Sa.
Việc này, “khiến không chỉ người Nhật mà cả các quốc gia láng giềng ở Châu Á cũng như cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại” - theo bình luận của Hoàn Cầu thời báo.
Phản ứng lại động thái của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói việc Tokyo tăng cường quân sự hóa, điều chỉnh chính sách quốc phòng là “không có lợi cho hòa bình, phát triển”. 
Ông Hồng cũng nói “cộng đồng quốc tế đang nghi ngờ phải chăng Nhật Bản thay đổi chính sách phòng vệ có từ sau Thế chiến 2”.
Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ ông Abe đang tích cực nghiên cứu các phương án để điều động hải quân ra các vùng biển bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Theo đó, Nhật sẽ áp dụng ba tình huống để bước vào tình trạng chiến tranh. Đáng chú ý là nội dung về việc Mỹ cùng quốc gia C (được cho là Philippines) có xung đột quân sự về đảo nhân tạo với quốc gia B (truyền thông Trung Quốc cho rằng điều này ám chỉ những đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam). 
Trong tình huống này, Nhật sẽ đóng vai trò chi viện hậu phương cho Mỹ và quốc gia C, đồng thời, quân đội Nhật Nhật cũng sẽ chiến đấu trực tiếp với quân đội quốc gia B.
Tàu khu trục lớp Aegis của Nhật Bản
Tàu khu trục lớp Aegis của Nhật Bản 
Hiến pháp mới cũng cho phép Nhật phát động chiến tranh trong trường hợp các tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân với Mỹ, Australia bị “trúng ngư lôi từ quốc gia khác”. Nhật Bản sẽ chọn cách bắn chìm lập tức chiến hạm gây hấn.
Chuyên gia quân sự Trương Quân Xã, thuộc Học viện quân sự hải quân Trung Quốc nói thực chất, Nhật đang ‘ngắm’ tới các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Triều  Tiên và những quốc gia khác. 
Hoàn Cầu thời báo cũng nói “truyền thông Nhật Bản đang tưởng tượng ra khung cảnh đẫm máu khi Tokyo đối đầu quân sự với Bắc Kinh” xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. 
Báo này cũng cáo buộc truyền thông Nhật đang vẽ ra viễn cảnh chiến tranh khi hải quân Nhật tham chiến ở Biển Đông.
Cuối bài viết, Hoàn Cầu thời báo nói ngày 19/9 là ngày “vô cùng quan trọng với Nhật Bản” kể từ sau Thế chiến 2. Báo này nói nếu có một ngày chiến tranh nổ ra ở Đông Bắc Á, thì mầm họa là từ việc Nhật thay đổi Hiến pháp. 

Văn Việt Võ (Theo Hoàn Cầu thời báo)
Bình luận
vtcnews.vn