Hé lộ điều ít biết về cuộc đàm phán 2,5 tỷ USD của ông Trần Quí Thanh

Kinh tếThứ Tư, 22/08/2018 19:00:00 +07:00

Đó là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó, nếu thành công, ông Trần Quí Thanh sẽ bước vào ngôi nhà tỷ phú USD danh giá của Forbes từ 7 năm trước.

Nhưng thời điểm đó, ông Thanh nói “không” với người khổng lồ Coca-Cola – bỏ qua con số 2,5 tỷ USD, bỏ qua luôn cơ hội ghi danh mình ở Forbes.

Và hôm nay, trong một ngày tháng 8/2018, người ta nhìn thấy con gái của ông là bà Trần Uyên Phương đang bước vào trụ sở của Forbes, ở quảng trường thời đại Mỹ. Bà Phương là người đàm phán, thu xếp các chương trình làm việc ở nước ngoài của doanh nhân Trần Quí Thanh.

Các phương tiện truyền thông Mỹ cũng lan truyền hình ảnh của bà tại Forbes và cho rằng bà đang thu xếp chương trình làm việc cho bố của mình.

1 (2)

Bà Trần Uyên Phương đến làm việc với tổ chức xếp hạng tỷ phú USD Forbes. 

Forbes là tổ chức xếp hạng tỷ phú USD danh giá nhất thế giới. Trong danh sách các tỷ phú USD thế giới của Forbes đã ghi nhận 4 doanh nhân người Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Hé lộ cuộc đàm phán 2,5 tỷ USD

Thông tin về “cuộc đàm phán tỷ đô” được ông Thanh hé lộ phần nào. Mới đây, trong bài viết có tên "How to Invest In Vietnam's Explosive Growth" (tạm dịch: Làm thế nào để đầu tư vào sự tăng trưởng bùng nổ của Việt Nam) đăng trên trang tài chính The Street, ông Trần Quí Thanh – người sáng lập và là CEO của Tân Hiệp Phát chia sẻ nhiều chi tiết xung quanh cuộc đàm phán thâu tóm của Coca-Cola.

Với khát vọng vươn ra thế giới trở thành công ty toàn cầu, Tân Hiệp Phát của ông Trần Quí Thanh cần vốn để mở rộng sản xuất. Theo cách thông thường là niêm yết cổ phiếu, có nghĩa từ mô hình công ty gia đình sở hữu 100% cổ phần, Tân Hiệp Phát sẽ là công ty đại chúng.

Nói với The Street, ông Trần Quí Thanh chia sẻ rằng, ông từng xem xét việc niêm yết công ty trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhưng cuối cùng không chọn phương án này vì lo ngại việc này sẽ khiến công ty chú trọng quá nhiều vào lợi nhuận ngắn hạn.

Còn bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ, hướng đi của Tân Hiệp Phát phù hợp hơn với một công ty gia đình.

1 (3)

Ông Trần Quý Thanh và con gái.

Là công ty gia đình, ông Trần Quí Thanh có thể độc lập đưa ra các quyết định. Với Tân Hiệp Phát đây là lúc tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cho tương lai của hoạt động kinh doanh chứ không phải là lợi nhuận ngắn hạn.

Khi quyết định không niêm yết bị loại ra, không có nghĩa Tân Hiệp Phát “bế quan tỏa cảng”. Theo chia sẻ của ông Trần Quí Thanh, Tân Hiệp Phát có vẻ vẫn đang tìm kiếm một đối tác ngoại, đang theo đuổi điều này trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên các nhà đầu tư tìm đến Tân Hiệp Phát đơn giản chỉ muốn đầu tư vốn và tạo ra lợi nhuận mà không quan tâm đến giá trị cốt lõi, tầm nhìn của doanh nghiệp.

Tầm nhìn của Tân Hiệp Phát từng được đích thân “phó tướng” Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương nhắc tới chính là việc tăng doanh thu lên mức 1 tỷ USD/năm, gấp đôi tỷ lệ hiện tại, trong vòng 5 năm tới.

“Nếu chúng tôi đang tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài, thì không phải là vì lý do về vốn. Đó là bởi vì chúng tôi muốn một quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra một doanh nghiệp mạnh hơn, có sự quản trị tốt hơn và xuất khẩu các sản phẩm", ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh.

Lý do từ chối Coca-Cola năm 2011

Nhắc lại cuộc đàm phán không có kết quả với ông lớn Coca-Cola năm 2011, lần đầu tiên ông chủ Tân Hiệp Phát tiết lộ lý do từ chối vì trong đó có những điều khoản không thể chấp nhận được.

Đó là việc Coca-Cola yêu cầu Tân Hiệp Phát không được xuất khẩu hoặc phát triển thêm các dòng sản phẩm mới. Lúc này, Tân Hiệp Phát đã mở ra một ngành hàng mới cho thị trường nước giải khát Việt Nam với 2 dòng sản phẩm được địa phương hóa là Trà xanh Không độ và Trà thảo mộc Dr Thanh.

Theo đánh giá của ông Thanh, yêu cầu này của Coca-Cola giống với nỗ lực để đóng cửa một đối thủ hơn là đầu tư vào tương lai của nó.

Video: Thấy gì qua lời xin lỗi của Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát

"Họ giành được thị phần từ việc thâu tóm các công ty trong nước và sẽ ngừng đầu tư vào thương hiệu của các công ty này. Nhờ đó, họ loại được các đối thủ cạnh tranh”, ông Thanh nói.

Sau 1 năm đàm phán không có kết quả, cả hai bên quyết định dừng lại.

Theo đánh giá của The Street, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong ngành nước giải khát có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Pepsi.

Với doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Với việc sở hữu 100% cổ phần, việc ông Trần Quí Thanh có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes là dự đoán có cơ sở.

Vấn đề còn lại là vị tỷ phú bình dân này có mở lòng cung cấp thông tin, dữ liệu về tài sản của mình cho Forbes hay không. Khi mà công ty của ông không phải là công ty đại chúng, với những dữ liệu không nhất thiết phải công khai.

Với bước chân đầu tiên bước vào trụ sở cùa Forbes ở quảng trường thời đại Mỹ của con gái ông, liệu rằng, đã đến lúc chúng ta sẽ có thêm một tỷ phú USD mới?

Ngọc Nga
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn