Hàng không Việt chuẩn bị gì đón năm mới 2022?

Đầu TưThứ Năm, 03/02/2022 12:51:00 +07:00
(VTC News) -

Doanh nghiệp hàng không tin vào sức bật của thị trường, để đón đầu xu hướng này, các hãng đã sớm triển khai nhiều chiến lược trọng tâm cho năm 2022.

Dịch bệnh COVID-19 tuy diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang được kiểm soát. Hầu hết các địa phương đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong phòng chống dịch. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp hàng không cho rằng, đã đến lúc mở lại “cửa” bầu trời, cả nội địa và quốc tế.

Việc nối lại các đường bay nội địa và tới đây là quốc tế thường lệ đến tất cả các nước không chỉ giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Sẵn sàng "bình thường mới"

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, để khai thác trở lại các chuyến bay nội địa và quốc tế thường lệ trong năm 2022, Vietnam Airlines chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, các chương trình kích cầu phù hợp và đảm bảo tối đa an toàn trong phòng, chống dịch.

Hàng không Việt chuẩn bị gì đón năm mới 2022? - 1

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Cụ thể, với thị trường nội địa, Vietnam Airlines tiếp tục bám sát chỉ đạo của cơ quan chức năng và nhu cầu thị trường. Tìm kiếm cơ hội để mở thêm các đường bay mới và sẵn sàng tăng tần suất vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Vietnam Airlines cũng đang tích cực chuẩn bị mở cửa đường bay quốc tế thường lệ bằng việc triển khai chương trình thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử. Hãng đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành thực hiện thành công các chuyến bay đầu tiên áp dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass cho hành khách từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại.

Để phòng ngừa dịch, Vietnam Airlines xây dựng quy trình đảm bảo an toàn dịch tễ nghiêm ngặt tại sân bay và trên chuyến bay. Vietnam Airlines cũng đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, tạo ra trải nghiệm dịch vụ “không điểm chạm”, giúp hành khách có thể thực hiện mọi thao tác như mua vé, làm thủ tục, hoàn đổi vé... trực tuyến, hạn chế tiếp xúc.

Thúc đẩy hoạt động thương mại và góp phần kích cầu thị trường, hãng hàng không quốc gia hợp tác với một số đối tác lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành để nghiên cứu, thí điểm sản phẩm tour du lịch khép kín, an toàn giữa các vùng xanh trên cả mạng bay nội địa và quốc tế.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Ngọc Thạch, Phó Giám đốc phụ trách thương mại của Hãng hàng không Bamboo Airways, để chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới”, Bamboo Airways lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, hạ tầng trang thiết bị và chất lượng dịch vụ chuẩn mực nhất.

Bamboo Airways đưa vào sử dụng dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trên các đường bay quan trọng, trong đó có đường bay Hà Nội – TP.HCM; trang bị thêm hạng ghế thương gia nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách khi di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh. Cùng với đó, dòng máy bay phản lực Embraer E190 giúp Bamboo Airways khai thác linh hoạt và duy trì ổn định lịch trình bay theo nhu cầu của thị trường.

Hãng cũng có kế hoạch khôi phục nhanh nhất tuyến bay nội địa ngay khi được cơ quan chức năng cho phép, tiếp tục mở mới các tuyến bay nội địa, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - Điện Biên (khai thác từ tháng 10) và đường bay thẳng TP.HCM – Điện Biên (khai trương từ 3/12/2021).

Chất lượng dịch vụ được Bamboo Airways nâng cấp, đổi mới không ngừng. Hãng đề ra lộ trình cụ thể nâng cấp dịch vụ trên không theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, nhằm mang lại trải nghiệm bay chưa từng có cho hành khách giai đoạn hậu dịch.

Hãng cũng áp dụng chính sách bán vé ưu đãi và linh hoạt để đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh, bao gồm miễn phí đổi tên, đặt cọc, vé khứ hồi, đổi ngày bay…tung ra nhiều chương trình và sản phẩm ưu đãi giúp khách hàng có cơ hội trải nghiệm dịch vụ hàng không chất lượng cao với chi phí hợp lý như vé tháng, combo bay – nghỉ tiện ích, thẻ bay không giới hạn…

“Bamboo Airways tăng tần suất trên hơn 50 đường bay, phục vụ nhu cầu đa dạng của hành khách. Hãng theo sát chỉ đạo của cơ quan chức năng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới nhất về tổ chức vận tải hành khách, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ông Thạch nhấn mạnh.

Còn đại diện của Vietjet cho biết, hãng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, rà soát và hoàn thiện toàn bộ quy trình khai thác, đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất. Hiện toàn bộ tàu bay đã được Vietjet phun khử khuẩn, vệ sinh và chăm sóc nội thất. Vì vậy, Vietjet tự tin vào những chuyến bay xanh và an toàn.

Ứng phó Omicron

Hàng rào bay nội địa đã được dỡ bỏ, nhưng các yêu cầu bổ sung kiểm soát y tế về biến chủng mới Omicron đang khiến việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ nguy cơ khó đảm bảo theo kế hoạch.

Hàng không Việt chuẩn bị gì đón năm mới 2022? - 2

Phó Giám đốc Thương mại Bamboo Airways Hoàng Ngọc Thạch. (Ảnh: Insider)

Theo ông Lê Hồng Hà, việc tạm dừng hoạt động khai thác quốc tế thường lệ trong thời gian dài từ đầu năm 2020 tới nay dẫn tới tình trạng ngành hàng không, du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ có liên quan gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều công ty phải dừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Nếu chậm khôi phục đường bay quốc tế, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn và khó hoạt động trở lại sau khi mở cửa.

Trong bối cảnh hiện tại, khi thế giới và Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, nhiều nước đã triển khai chính sách mở cửa đón đầu nhu cầu đi lại, việc nối lại các đường bay quốc tế được đánh giá là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép, không chỉ giúp các đơn vị vận tải hàng không, du lịch, dịch vụ hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.

Để nối lại các đường bay quốc tế một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng cần theo sát diễn biến tình hình, kịp thời đánh giá và điều chỉnh chính sách ngay khi điều kiện cho phép, sao cho Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh điểm đếnvới các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc mở lại đường bay cũng cần có lộ trình bài bản theo giai đoạn để từng bước phục hồi thị trường trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Trong vai trò là nhà vận chuyển hành khách, Vietnam Airlines đang triển khai thí điểm kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế theo hình thức trọn gói. Hiện tại, Vietnam Airlines vẫn duy trì các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước và cách ly tự nguyện.

“Sắp tới, Vietnam Airlines sẽ mở rộng khai thác các chuyến bay theo hình thức này, hướng tới tần suất ổn định để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Bám sát lộ trình mở cửa trở lại do cơ quan chức năng chỉ đạo, Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật …) cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo”, ông Hà nhấn mạnh.

Ông Hoàng Ngọc Thạch cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang ở giai đoạn hội nhập quốc tế, việc mở cửa bay quốc tế sau thời gian dài đóng băng sẽ dẫn đường cho sự phát triển, khơi thông dòng chảy đầu tư và giao thương, qua đó thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế, du lịch của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

“Bamboo Airways sẽ căn cứ hướng dẫn của các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng, từng bước triển khai việc nối lại các đường bay quốc tế sao cho vừa an toàn, hiệu quả, vừa đem lại lợi ích tối ưu cho khách hàng”, ông Thạch cho hay.

Đại diện Bamboo Airways nhấn mạnh mở cửa vận tải hàng không là xu thế tất yếu sau khi kiểm soát được đại dịch. Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo quản lý và phòng chống dịch hiệu quả. Do đó Bamboo Airways mong muốn cơ quan chức năng xem xét thận trọng, có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa các đường bay theo diễn biến dịch từng giai đoạn, để các hãng bay chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp. Đồng thời, cần tạo cơ hội bình đẳng (cấp thương quyền, slot bay…) để các hãng khai thác đường bay nội địa và quốc tế.

Nỗ lực hồi phục, tăng trưởng

Nhận định ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2022, song các hãng bay trong nước tin rằng, ngành hàng không sẽ sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại nhờ tiến bộ đạt được trong chương trình tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.

Vietnam Airlines đã xây dựng dự báo mức độ phục hồi thị trường năm 2022 theo ba kịch bản: cao, trung bình và thấp, nhằm chủ động các phương án điều hành sản xuất kinh doanh. Trong đó, kịch bản lạc quan là dịch bệnh được kiểm soát tốt, không có đợt bùng phát dịch diện rộng, và kịch bản xấu là có biến chủng mới, tình hình dịch phức tạp như đợt bùng phát dịch cuối tháng 4/2021 vừa qua.

“Với tốc độ phủ rộng tiêm vaccine, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines tin tưởng thị trường sẽ có tiến triển trong năm 2022 và ngành hàng không sẽ sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại”, ông Lê Hồng Hà nói.

Còn theo ông Hoàng Ngọc Thạch, hàng không nội địa gần đây ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tỷ lệ tiêm vaccine đạt độ phủ cao, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế theo chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sẽ là những yếu tố quan trọng tác động  tích cực đến đà phục hồi của toàn ngành trong năm 2022.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp