Hang động hơn 20.000 năm tuổi ở Australia bị phá hoại

Khám pháThứ Bảy, 24/12/2022 18:36:58 +07:00

Hang động Koonalda đã bị kẻ xấu đột nhập, phá hoại, khiến người dân bản địa phẫn nộ và chính quyền đang dồn lực tìm kiếm thủ phạm.

Hang động Koonalda nằm trên một dải đất bằng phẳng, khô cằn ở miền Nam Australia. Nơi đây là ngôi nhà của các tác phẩm nghệ thuật có từ 22.000 năm trước, và là địa điểm linh thiêng đối với người dân Mirning bản địa. Những khám phá tại hang động đã thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về lịch sử Australia.

Phẫn nộ

"Hang Koonalda có tầm quan trọng đặc biệt với người dân Mirning. Hàng chục nghìn năm lịch sử của nó là bằng chứng sớm nhất về sự chiếm đóng của thổ dân. Sự phá hoại này là một cú sốc đối với người dân. Họ đang rất đau lòng", phát ngôn viên của chính phủ Australia chia sẻ với CNN.

Người phát ngôn nói thêm: "Đầu năm nay, người dân phát hiện hang động đã bị xâm nhập bất hợp pháp. Một phần các đường rãnh được vẽ bằng ngón tay của con người thời kỳ băng hà trên các tường đá vôi mềm đã bị phá hoại".

Hang động hơn 20.000 năm tuổi ở Australia bị phá hoại - 1

Người dân Mirning không hề biết về vụ phá hoại hang Koonalda cho đến khi truyền thông địa phương đưa tin. (Ảnh: CNN)

Những kẻ phá hoại không bị chặn lại bởi hàng rào và các biện pháp bảo vệ tại hang động. Vì vậy, chính quyền tiểu bang Nam Australia đang đề xuất phương án lắp đặt camera an ninh và tham khảo ý kiến để bảo vệ địa điểm tốt hơn. Tuy nhiên ông Bunna Lawrie, trưởng lão người Mirning và là người giám hộ hang Koonalda, cho biết ông không biết gì về vụ phá hoại cho đến khi phương tiện truyền thông đưa tin vào tuần này. "Chúng tôi là những người giám sát truyền thống hang Koonalda. Chúng tôi yêu cầu được tôn trọng và hỏi ý kiến", ông Bunna Lawrie nói trong một tuyên bố.

Vụ việc đã khiến người Mirning thất vọng, họ nói rằng đã yêu cầu nhiều lần về việc củng cố an ninh cho hang Koonalda nhưng không được chính quyền đáp ứng. "Nếu những kẻ phá hoại này có thể bị bắt, chúng sẽ phải đối mặt với toàn bộ lực lượng thực thi pháp luật", phát ngôn viên của chính phủ nói.

Mâu thuẫn trong việc quản lý

Người dân Mirning cho biết, hang Koonlda là địa điểm linh thiêng, không mở cửa với công chúng và khách tham quan. Chỉ một số trưởng lão nam trong làng mới có thể tiếp cận và vào bên trong hang động. Ngoài ý niệm tâm linh, những yêu cầu khắt khe được đặt ra để bảo vệ các hình ảnh nghệ thuật tinh xảo được khắc vào nền hang.

Bất chấp điều luật bảo vệ, người dân nói họ vẫn nhận được yêu cầu cho phép mở cửa hang Koonalda một cách công khai.

"Chúng tôi phản đối việc mở cửa nơi linh thiêng của mình. Điều này vi phạm các giao thức bảo vệ hang Koonalda bấy lâu nay. Năm 2018, chúng tôi đã yêu cầu hỗ trợ để đảm bảo chỉ có một lối vào và cung cấp các biển báo phù hợp. Nhưng không có sự hỗ trợ nào ở đây", đại diện cộng đồng Mirning chia sẻ trong một tuyên bố với báo chí.

Hang động hơn 20.000 năm tuổi ở Australia bị phá hoại - 2

Khách tham quan có thể đến gần nhưng không được vào bên trong hang Koonalda. (Ảnh: Three Escape Together)

Ông Bunna Lawrie cho biết thêm: "Thay vào đó, đã có những thiệt hại xảy ra trong những năm gần đây, bao gồm việc cửa hang bị sập. Sau đó chúng tôi không được hỏi ý kiến cũng như phê duyệt các công trình bên trong hang động. Hang Koonalda không chỉ là tác phẩm nghệ thuật quý giá, nó là đại diện cho mối liên hệ tổ tiên Mirning và quê hương. Điều này đã ăn sâu vào máu và bản sắc dân tộc của chúng tôi".

Ý nghĩa hang động Koonalda

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học Australia tin rằng người dân bản địa của đất nước nafy chỉ tồn tại trên đất liền trong khoảng 8.000 năm. Hang Koonalda là nơi đầu tiên có tác phẩm nghệ thuật trên đá thể hiện người dân bản địa có thể đã xuất hiện từ 22.000 năm trước.

Điều này đã đưa hiểu biết của cộng đồng khoa học về lịch sử Australia lên một tầm cao mới. Năm 2014, hang Koonalda được chỉ định là địa điểm thuộc danh sách Di sản Quốc gia. Ông Greg Hunt, Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, tại thời điểm đó cho biết: “Phát hiện này đã gây ra một chấn động và thay đổi mãi mãi những quan niệm được chấp nhận sau đó về địa điểm, thời gian và cách thức thổ dân sinh sống trên lục địa Australia”.

Theo Cục Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia, niên đại của nghệ thuật hang động được đánh giá thông qua di tích khảo cổ học và dấu vân tay. Sau đó dấu vân tay được xác nhận bằng công nghệ carbon phóng xạ. Ngoài các đường rãnh được vẽ bằng ngón tay, hang động còn có một loại hình nghệ thuật trên đá khác lạ. Theo một trang web của chính phủ, các bức tường trong hang động có các đường cắt ngang và dọc thành hình chữ V bằng một công cụ sắc bén.

(Nguồn: Zing News/CNN)
Bình luận
vtcnews.vn