Hà Nội triển khai đại trà dạy thanh lịch văn minh

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 14/12/2010 06:57:00 +07:00

(VTC News)- Việc đưa vào giảng dạy đại trà sẽ bắt đầu ngay từ đầu học kỳ 2 năm học 2010 - 2011.

(VTC News) - Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết trong tháng 12 này hội đồng nghiệm thu cấp thành phố sẽ làm việc để nghiệm thu bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh thủ đô. Sau đó, UBND TP sẽ có quyết định triển khai dạy đại trà. Việc đưa vào giảng dạy đại trà sẽ bắt đầu ngay từ đầu học kỳ 2 năm học 2010 - 2011.

 

Chuyển biến ban đầu

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong vòng hai tháng giảng dạy thí điểm bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” cho học sinh Hà Nội đã có 18.725 học sinh ở ba cấp học tại 18 trường trên địa bàn thủ đô được tiếp nhận bộ tài liệu.

Với đầy đủ các nội dung: khái niệm thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch văn minh: ăn uống, đi đứng, ngồi nhìn, nghe nói…; giao tiếp văn minh, thanh lịch giữa con người với con người: ông bà, cha mẹ, họ hàng gần xa, làng xóm, thầy trò, bạn bè; ứng xử với môi trường, tự nhiên, với di tích danh thắng…, bộ tài liệu nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Một giờ học môn “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” cho học sinh thủ đô tại trường THCS Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

 
Em Bùi Thúy Hạnh, học sinh lớp 8I, trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm hòa hứng nói: “Sau 3 bài học với 6 tiết vừa được học lí thuyết, vừa được thực hành, chúng em nhận thấy các bài học ngắn gọn, rõ ràng, theo từng chuyên đề cụ thể đã giúp chúng em có thêm hiểu biết, kế thừa, tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh - nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Hơn nữa, nhiều bạn trong lớp em không phải là người Hà Nội gốc nên việc học tập này rất quan trọng, cần thiết. Vì chúng em có thể tự hào nói với mọi người, thể hiện với mọi người: “Em là người Hà Nội”.

“Trong nhiều bài dạy của cô qua những thước phim, thật sự chúng em đã rất xấu hổ khi nhìn quang cảnh xung quanh SVĐ Mỹ Đình toàn rác sau ngày bế mạc đại lễ, đã nhiều lần chúng em ồ lên khi chứng kiến chính những hành vi của tuổi học sinh mình: đi xe đạp bốc đầu làm xiếc, chở 4 người trên một chiếc xe mini lượn lách trên đường, rồi các hành vi vô ý thức khi dùng bút xóa viết vẽ lên tường ở những di tích, cảnh xoa tay lên đầu rùa và bia tiến sĩ trong Văn Miếu…”, Hạnh tâm sự.

Là một trong 18 trường được giảng dạy thí điểm bộ tài liệu, cô giáo Phạm Thị Huyền Nga, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây chia sẻ: “Con gái tôi đang học lớp 8 ở trường, học về bài An toàn giao thông, bảo mẹ: Giờ con được học mới biết đi học tuân theo luật giao thông cũng là thanh lịch văn minh mẹ nhỉ? Cảm động nhất là một bà cụ 83 tuổi, hàng xóm bảo tôi: Nhà trường bây giờ lại dạy trẻ con cả cách đi đứng, ăn mặc, lời ăn, tiếng nói hả con? Hay quá con ạ”.

Cấp sách miễn phí

Theo kết quả ban đầu tại các trường thí điểm, hầu hết giáo viên và phụ huynh đều thấy việc giảng dạy bộ tài liệu rất cần thiết, tạo ra phong cách thanh lịch - văn minh riêng của người Hà Nội và học sinh Hà Nội. Anh Nguyễn Lương Hùng, phụ huynh của học sinh Nguyễn Lương Tiến, lớp 2 trường Tiểu học Tiền Phong, Gia Lâm cho rằng bộ tài liệu cũng là cơ sở đế bố mẹ uốn nắn cho con cái. Các thầy cô nên khai thác trực tiếp vào các tình huống của gia đình để dạy cho các con.

Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Hà Nội sẽ chuẩn bị 1,4 tỷ đồng để làm kinh phí in tài liệu cho bộ môn học mới. Hà Nội sẽ không bắt buộc học sinh phải mua sách. Thành phố sẽ cấp miễn phí hoàn toàn sách cho các trường để học tập.

“Hà Nội hiện tại là địa phương đi đầu, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Các thầy cô cần gắn việc học với giảng dạy với game show, picnic, cắm trại, đi tham quan… để làm cho bài giảng không khô cứng và hấp dẫn học sinh. Tuy nhiên, người lớn phải là tấm gương cho học sinh noi theo”, bà Hằng khẳng định.

Trên cơ sở biên soạn, Phó chủ tịch UBNDTP đề nghị Hội đồng tư vấn, Hội Khoa học lịch sử tiến tới xây dựng bộ môn Hà Nội học trong các trường của Hà Nội để thêm hiểu và yêu Hà Nội, thực hiện nếp sống văn minh của Hà Nội.

 Hà Nội đã tiến hành giảng dạy thí điểm bộ tài liệu tại 18 trường: cấp Tiểu học Tràng An - Hoàn Kiếm, Nghĩa Tân - Cầu Giấy, Tiền Phong - Gia Lâm, Đoàn Kết - Hà Đông, Hà Hồi - Thường Tín, Trần Phú - Sơn Tây; cấp THCS: trường Nguyễn Du - Hoàn Kiếm, Yên Hòa - Cầu Giấy, Dương Xá - Gia Lâm, Lê Lợi - Hà Đông, Quất Động - Thường Tín, Thanh Mỹ - Sơn Tây; cấp THPT: trường Việt Đức - Hoàn Kiếm, Quang Trung - Đống Đa, Yên Viên - Gia Lâm, chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông, Nguyễn Trãi - Thường Tín, Sơn Tây - Sơn Tây.

Bình An
Bình luận
vtcnews.vn