Hà Nội nghiên cứu xây sân bay ở khu vực phía Nam thành phố

Tin nóngThứ Năm, 27/04/2023 17:25:00 +07:00
(VTC News) -

Sân bay thứ hai Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố.

Ngày 27/4, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn giải trình các vấn đề liên quan đến đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với việc nghiên cứu xây sân bay thứ hai, ông Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc xác định Hà Nội là Thủ đô lớn, mà Thủ đô lớn thì có 2 sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam, vì vậy sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô.

Hà Nội nghiên cứu xây sân bay ở khu vực phía Nam thành phố - 1

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan của thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển.

Thứ nhất: Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay.

Thứ hai: Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Thứ ba: Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng.

Thứ tư: Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Thứ năm: Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc, đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… kể cả đường bộ và đường sắt.

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy cho biết, hội nghị cơ bản tán thành với nội dung Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và TP, đặc biệt là định hướng phát triển thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị.

Về báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham gia, đóng góp rất sâu sắc, có chất lượng, tập trung vào 12 vấn đề Ban Cán sự đảng UBND TP trình xin ý kiến. Nhiều ý kiến cũng đã tham gia, đóng góp, bổ sung các chính sách, giải pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giao Ban Cán sự đảng UBND TP tổng hợp, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó lưu ý một số vấn đề như nguyên tắc tiếp thu tối đa những nội dung có sự thống nhất cao; tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh 3 nội dung vừa nêu trên là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô, có mối quan hệ mật thiết với nhau.

"Theo kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023. Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để bảo đảm tiến độ, Ban Cán sự đảng UBND TP cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân. Bộ phận thường trực tổ chức giao ban hàng tuần để kiểm điểm công việc theo tiến độ đề ra, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc", Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn