Hà Nội: Lo ngại những vụ tàu đâm 'đẫm máu'

Thời sựThứ Hai, 28/10/2013 11:20:00 +07:00

(VTC News) - Nấu ăn, giặt giũ, sinh hoạt ngay trên đường sắt là thực trạng đang xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội, bất chấp tử thần rình rập...

(VTC News) - Nấu ăn, giặt giũ, sinh hoạt ngay trên đường sắt là thực trạng đang xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội bất chấp tử thần đang rình rập...

Băng qua đường đi làm, đi xe, nấu cơm, giặt quần áo, làm việc,… mọi sinh hoạt của họ đều gắn với những hiểm họa khó lường. Và khi tàu đến, họ tránh ra một bên, khi tàu qua mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, đó là những hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại tuyến đường sắt chạy qua nội thành Hà Nội.

Theo quy định về phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.

Tuy nhiên nhiều khu dân cư ở Hà Nội có đường sắt chạy qua chỉ cách nhà chưa đầy 3 mét, ra vào nhà phải qua đường sắt, hoạt động kinh doanh diễn ra tấp nập ngay cả khi có tàu chạy qua. 

Từ nhà ra đường tàu không quá xa, nhưng cuộc sống của người dân xung quanh vẫn diễn ra tấp nập. Dọc tuyến phố Phùng Hưng, Lê Duẩn, đoạn đường sắt cắt ngang đường Điện Biên Phủ, khu dân cư chỉ cách nhà dân chưa đầy 3 mét. Cuộc sống sinh hoạt sôi động diễn ra ngay sát đường sắt, thậm chí là trên đường sắt khi không có tàu chạy qua.
Nguy hiểm rình rập từ đường tàu chạy trong khu dân cư
Không khí sinh hoạt nhộn nhịp trên tuyến đường sắt chạy qua khu dân cư ở Hà Nội

Có mặt tại đoạn đường sắt từ đường Lê Duẩn cắt ngang đường Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến cảnh sinh hoạt của hàng chục hộ dân khi không có tiếng còi tàu. Vòi nước được lắp đặt cách đường tàu chừng 2 mét, các hoạt động giặt giũ, rửa thực phẩm đều được bố trí ngay tại vòi nước này.

Nhiều người dân thuê các khu trọ ngay sát đường sắt vì giá rẻ. "Phòng ở đây chật, đi lại khó khăn, ra khỏi phòng là đường tàu nên tôi chọn thuê ở đây vì giá rẻ. Biết là nguy hiểm nhưng sống lâu lại thành quen, mình nắm được giờ tàu chạy nên lường trước được", anh Đạt (ở Hà Nam) nói.
Nguy hiểm rình rập từ đường tàu chạy trong khu dân cư
Trẻ em vô tư nô đùa trên đường sắt

Trong khi đó, dọc tuyến đường sắt từ Lê Duẩn đến đường Ngọc Hồi, hàng loạt cơ sở kinh doanh buôn bán hoạt động sầm uất, người mua kẻ bán tấp nập như không hề có chút nguy hiểm nào. Tiêu biểu là các cửa hàng kinh doanh nội thất, nhiều hộ dân còn mang cả các đồ nội thất lên đường ray để gia công.

Nhiều người dân tại các khu vực này cho biết, họ quen sống sát đường tàu, nắm rõ lịch tàu chạy nên không mấy lo lắng. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn từ tai nạn đường sắt. Tuyến đường sắt chạy dọc đường Lê Duẩn, Giải Phóng, Ngọc Hồi mỗi ngày phục vụ hàng chục chuyến tàu chạy Bắc Nam.
Nguy hiểm rình rập từ đường tàu chạy trong khu dân cư
 Ẩn họa rình rập từ nhiều đoạn đường ngang dân sinh không có rào chắn

Các cửa hàng kinh doanh cơm, phở vẫn mọc lên đều dọc đường sắt. Theo tìm hiểu, những khu vực này thường chi phí thuê thấp, nên các chủ hàng vẫn chấp nhận thuê để kinh doanh mặc dù gặp nhiều khó khăn về giao thông. Khu bếp của các cửa hàng kinh doanh cơm phở được đặt sát đường ray để tiết kiệm diện tích và tiện nấu nướng.

Buổi chiều, trẻ con các khu dân cư lại tập trung vui đùa trên đường tàu, đặc biệt khu vực đường Phùng Hưng, Lê Duẩn. Chỉ một phút lơ là, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cùng với đó, nhiều đoạn đường ngang dân sinh không có rào chắn nên rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi lưu thông qua đường sắt. "Nhiều đoạn đường ngang dân sinh khu vực Ngọc Hồi không có rào chắn, người dân không biết được thời điểm nào có tàu đi qua nên rất nguy hiểm", anh Biển (ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc.
Những vụ tai nạn đường sẵn đẫm máu đã không còn là chuyện hiếm gặp. Sau mỗi vụ việc đau lòng, có nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra. Nhưng đáp án cuối cùng giải quyết vấn đề vẫn đang chờ các cơ quan chức năng cũng như trông vào ý thức của chính người dân.

Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn