Hà Nội đặt mục tiêu đưa huyện Gia Lâm lên quận năm 2023

Tin nóngThứ Tư, 12/10/2022 17:26:00 +07:00
(VTC News) -

Bí thư Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm phấn đấu thành quận vào năm 2023.

Ngày 12/10, tại trụ sở HĐND - UBND xã Đa Tốn, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, các ý kiến cử tri nêu đều rất xác đáng, là vấn đề lãnh đạo thành phố quan tâm, trăn trở, đã triển khai các giải pháp giải quyết. Thành phố còn chủ trương đầu tư bằng nguồn ngân sách cho phần hạ tầng xã hội tại các khu nhà ở xã hội để giảm giá thành cho người dân. Đối với kiến nghị khác, thành phố sẽ giao cơ quan thành phố xem xét cụ thể, trả lời cử tri.

Hà Nội đặt mục tiêu đưa huyện Gia Lâm lên quận năm 2023 - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến của cử tri.

Theo Bí thư Thành ủy, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời, tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng, có tính quyết định, tính đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô như: Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô…

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, dành nguồn lực để tập trung đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế (tập trung cho y tế cơ sở, y tế dự phòng), giáo dục - đào tạo (quan tâm hoàn thiện hệ thống trường chuẩn quốc gia, trường liên cấp...) và văn hóa (đầu tư phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn…) giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng kinh phí trên 49.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thành phố đã tạo bước đột phá, phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, đạt 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố...

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, đây mới chỉ là bước đầu, thành phố sẽ rà soát, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa cho các quận, huyện, thị xã.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, năm 2022, cùng việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả đó có đóng góp quan trọng của địa phương, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm. 

"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt 6 nhóm nội dung trọng tâm. Trong đó, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm, phấn đấu đáp ứng đủ điều kiện trở thành quận năm 2023", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị.

Tại hội nghị, cử tri huyện Gia Lâm nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan công tác dân sinh.

Trong đó, cử tri đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ nhà thầu thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ một số dự án trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông. Cử tri cũng phản ánh, theo quy định, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế có nhiều bất cập; trong khi quy hoạch về mật độ xây dựng và chỉ tiêu dân số thấp, dẫn đến khai thác quỹ đất không hiệu quả, khó thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, việc bố trí ở mỗi khu đô thị 20% để xây dựng nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ…

Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh quy định liên quan, bố trí xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện.

Cử tri cũng nêu vấn đề, hiện nay, UBND xã đang quản lý quỹ đất công ích, nhưng thời gian cho thuê ngắn (5 năm) nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào sản xuất. Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, cho phép UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất công ích từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, cử tri phản ánh tiến độ dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro (đường 181) rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn. Cử tri kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại sông Bắc Hưng Hải…

Sông Trà
Bình luận
vtcnews.vn