Hà Nội chi gần 1.000 tỷ vẫn thiếu rau sạch trầm trọng

Kinh tếThứ Năm, 19/08/2010 03:17:00 +07:00

Gần 1.000 tỷ đồng là số tiền được UBND TP Hà Nội chi ra để thực hiện Đề án phát triển rau an toàn tuy nhiên đến nay, tình trạng thiếu rau sạch vẫn rất phổ biến.

Gần 1.000 tỷ đồng là số tiền được UBND TP Hà Nội chi ra để thực hiện Đề án phát triển rau an toàn trên địa bàn TP. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng thiếu rau sạch trên thị trường Hà Nội vẫn rất phổ biến.



Chậm thực hiện đề án Rau an toàn, chậm ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, chưa quan tâm đến việc huy động nguồn lực cho sản xuất và tiêu thụ… là những nguyên nhân khiến đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay vẫn chưa có được kết quả khả quan.

Vẫn thiếu rau sạch trầm trọng


Dạo quanh các chợ tại Hà Nội, quầy rau sạch (dù có thể không đảm bảo 100%) vẫn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Phần lớn rau được bầy bán đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại chợ Ngọc Khánh, cả chợ chỉ có một quầy rau an toàn của chị Nguyễn Thị Tươi ở Vân Nội là có giấy chứng nhận rau an toàn, so với hàng trăm quầy rau khác ngồi khắp chợ

 Có quá ít những quầy rau có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận như thế này


Chính vì lẽ đó mà mỗi sáng ra, quầy rau an toàn của chị Tươi rất đông người mua. Nhiều người mặc dù vội đi làm vẫn phải kiên trì chờ đến lượt được mua rau bởi lẽ, mua chỗ khác thì không yên tâm. Chưa kể, chủng loại rau an toàn cũng không thật phong phú. “Chợ có quá ít hàng rau an toàn nên mình cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác” - Bà Nguyễn Thị Thơm, người khách trung thành của hàng rau sạch này cho biết.
Theo chị Tươi, chị là người bán rau, nhưng cũng chính gia đình chị là người trồng rau. Như vậy cũng có thể thấy, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn tự phát và nhỏ lẻ, không có quy mô nên không thể cung cấp ra thị trường số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Tôi trồng rau còn không đủ bán, làm gì có rau mà bán buôn.” - chị Tươi khẳng định.


Không riêng chỉ chợ Ngọc Khánh, tại các chợ lớn như Thành Công, chợ Mơ, chợ Hôm… số quầy hàng được chứng nhận là cung cấp rau an toàn cũng đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những quầy hàng rau trông rất “hoành tráng”, cũng không ai dám chắc về nguồn gốc của các loại rau này.

Trong khi đó, chợ lại có hàng trăm hàng rau không rõ xuất xứ, nguồn gốc


Trong khi đó, những người bán rau luôn khẳng định, rau của họ là rau an toàn, được sản xuất theo đúng quy trình quy định, hoặc được thu mua tại các cơ sở sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, do khâu quản lý, cấp phép, đóng bao bì, chứng nhận… chưa thực sự khoa học và tiện lợi nên nhiều người sản xuất rau an toàn vẫn mang ra chợ bán như các loại rau không rõ nguồn gốc xuất xứ khác. Còn người tiêu dùng thì cũng vì thế mà không thể phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau “bình thường”. Mọi sự đảm bảo cho chất lượng của rau vẫn chỉ là một câu nói của người bán hàng: “Yên tâm đi, rau sạch 100% đấy”.
Quá chậm!


Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng, đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 đã được Thành phố chỉ đạo thực hiện từ khá lâu, với kinh phí được duyệt lên tới gần 1000 tỷ. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến độ thực hiện đề án vẫn còn quá chậm so với yêu cầu.

Nguyên nhân được cho là do công tác quy hoạch còn chậm (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô còn chưa được phê duyệt nên Quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa được hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc thực hiện các dự án đầu tư sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội).

Ngoài, ra, UBND các huyện cũng vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện dự án. Việc phối kết hợp giữa các huyện với các sở ngành liên quan để triển khai công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn thiếu chặt chẽ, cụ thể.

Ngay cả với những quầy rau trông "hoành tráng" như thế này, không ai dám đảm bảo về nguồn gốc cũng như độ an toàn của nó, ngoài sự đảm bảo của chính người bán...

Mặt khác, UBND các huyện cũng chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn. Cụ thể, các địa phương thrờng chỉ mới quan tâm tập trung chỉ đạo các Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất rau an toàn mà chưa triển khai công tác sản xuất sau đầu tư, chưa quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ rau an toàn chậm được ban hành, việc huy động các nguồn lực cho sản xuất và tiêu thụ rau an toàn chưa được quan tâm cụ thể. Công tác tuyên truyền thông tin đến người sản xuất và người tiêu dùng rau an toàn cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 18/8/2010, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cùng các ngành liên quan rà soát lại các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai đề án, tập trung vào công tác tổ chức sản xuất rau an toàn và tiêu thụ sản phẩm, ban hành tiêu chuẩn sản xuất một số loại rau cụ thể.

Các cơ quan này cũng có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng đến toàn xã hội giúp người dân thay đổi nhận thức và tập quán về sản xuất và tiêu dùng rau an toàn. Các cơ quan cũng được yêu cầu thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện đề án.


Theo VnMedia

Bình luận
vtcnews.vn