Gỡ vướng đấu thầu cho bệnh viện công

Tin tứcThứ Bảy, 09/12/2023 11:44:00 +07:00
(VTC News) -

Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024 kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc đấu thầu cho các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Song song với nhiệm vụ khám chữa bệnh, giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc là điều được các bệnh viện công hiện nay đặc biệt chú trọng.

Từng bước ‘cởi trói’ cho bệnh viện

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế diễn ra trong thời gian dài sau dịch COVID-19 là do nguồn cung về hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc có dấu hiệu khan hiếm và giá cả biến động mạnh sau dịch bệnh.

Cùng với đó, do vướng mắc pháp lý về đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập được ví như "phao cứu sinh" cho các bệnh viện công.

Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023, cơ bản đã thể chế hóa Nghị quyết số 30 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, gỡ vướng rất nhiều cho các bệnh viện.

Gỡ vướng đấu thầu cho bệnh viện công.

Gỡ vướng đấu thầu cho bệnh viện công.

Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, trước đây việc mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC và Thông tư số 68/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y thế, chẳng hạn như hệ thống máy CT, bệnh viện phải có ít nhất là 3 báo giá và lựa chọn giá thấp nhất để làm giá kế hoạch đấu thầu, gây ra nhiều vướng mắc.

Thông tư 14 không còn quy định bắt buộc điều này, cho phép bệnh viện lựa chọn mua sắm, tự quyết định lựa chọn giá gói thầu phù hợp với khả năng tài chính, yêu cầu chuyên môn.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng nhưng Thông tư 14 rất quan trọng bởi đây là hướng dẫn giúp các bệnh viện, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được thông suốt.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc để phục vụ khám chữa bệnh.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai trúng thầu gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa đến năm 2024, bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng, vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, sáng 6/12, ca ghép giác mạc đầu tiên từ nguồn hiến ở cộng đồng sau thời gian dài gián đoạn đã được thực hiện trở lại. Hơn 2 năm qua, rất nhiều gia đình có người tử vong muốn hiến tặng giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương nhưng bệnh viện này không thể tiếp nhận chỉ vì thiếu hóa chất, vật tư y tế trong tiếp nhận, bảo quản giác mạc.

Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, từ tháng 3, từng phải tạm dừng các mổ phiên vì thiếu vật tư, thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật, thủ thuật thì nay cũng đã hoạt động trở lại bình thường sau khi được Thông tư 14 giải quyết vướng mắc.

Kỳ vọng các bệnh viện bứt phá

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, công tác quản lý luôn là thách thức đối với các giám đốc bệnh viện, trong đó có vấn đề quản lý tài chính, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, quản lý nhân sự và quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, Bộ Y tế luôn rất cầu thị tiếp nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bệnh viện để cùng nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của ngành, từ đó triển khai tại bệnh viện một cách hiệu quả để giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan tới công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư máy móc, thiết bị y tế, thanh quyết toán bảo hiểm y tế…

Trong khi đó, lãnh đạo các bệnh viện cho rằng Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 sẽ tháo điểm nghẽn lâu nay, giúp các cơ sở y tế bảo đảm công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người bệnh.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong đợt tham gia góp ý sửa đổi Luật Đấu thầu vừa qua, chúng tôi đã giải trình, thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa tình huống cấp bách cùng với tình huống cấp cứu, thiên tai, dịch bệnh vào trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 nhằm giải quyết, tháo gỡ công tác đấu thầu để có thể duy trì hoạt động bệnh viện, bảo đảm việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân.

Ông kỳ vọng những bất cập thời gian qua được giải quyết triệt để, giúp cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người dân ngày một tốt hơn.

Ông Hoàng Cương, Trưởng Phòng Chính sách đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trải qua hơn 2 năm xây dựng, với hàng trăm buổi làm việc, hội nghị, hội thảo cùng các bệnh viện, bộ, ngành, ngày 23/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua luật này. Luật dành 1 chương (chương 5) quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Nhiều điểm mới của luật, theo ông Cương, đó là điều chỉnh 8 hình thức về đấu thầu, trong đó có đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, mua sắm trực tiếp, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó còn mở rộng thêm 2 hình thức đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến.

Đối với hình thức đấu thầu ngược, các nhà thầu sẽ chào giá với lần sau không được cao hơn lần trước. Kết thúc thời hạn, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ lựa chọn các sản phẩm có giá cạnh tranh nhất, các bệnh viện có thể lấy ngay kết quả đó để mua sản phẩm mà không phải thông qua đấu thầu.

Với những quy định này, trong thời gian tới, giám đốc các bệnh viện, ngành y tế địa phương có quyền mua sắm đấu thầu, chỉ định thầu trong tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh thảm họa hay để duy trì hoạt động bệnh viện. Đặc biệt, giám đốc bệnh viện được tự quyết nếu nhà tài trợ không yêu cầu, không phải thuốc bảo hiểm y tế hoặc nguồn vay ODA, miễn là phải bảo đảm tính công bằng minh bạch và chịu trách nhiệm.

Một điểm mới khác là Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 cho phép các bệnh viện tư nếu tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thanh toán như giá bệnh viện công. Nếu bệnh viện tư không đấu thầu thì có thể áp dụng mức giá của cơ sở y tế ở khu vực lân cận hoặc TP.HCM để làm cơ sở thanh toán.

"Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023, tập trung vào 5 nhóm tiêu chí cơ bản, đã nhận diện và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu thầu của ngành y tế trong thời gian qua.

Với những điểm mới của luật cùng với các thông tư, nghị định hướng dẫn mới, chắc chắn việc đấu thầu y tế trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn", ông Cương khẳng định. 

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn