Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử

Euro 2020Thứ Hai, 05/07/2021 06:51:00 +07:00
(VTC News) -

9 năm sau cuộc cách mạng bóng đá dang dở, người Italy lại đứng trước thời khắc lịch sử khi tái ngộ Tây Ban Nha ở bán kết EURO 2020.

Cổ động viên Italy sẽ nhớ đến Mario Balotelli như một "đứa trẻ" lầm lạc. Sở hữu tiềm năng to lớn, vô địch Ngoại hạng Anh năm 22 tuổi, nhưng thói quậy phá cùng sự thiếu chuyên nghiệp đã đẩy Balotelli đến vực thẳm. 

Dù vậy, Balotelli cũng có lúc cảm xúc và thi vị. Giọt nước mắt của "Super Mario" trong đêm trường Kiyv của những ngày hè năm 2012 là một trong những khoảnh khắc buồn nhất của Azzurri. Italy thua Tây Ban Nha 0-4 ở chung kết EURO, khiến cuộc cách mạng của HLV Cesare Prandelli mãi là chuyện tình dang dở. 

Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử  - 1

Italy tái ngộ Tây Ban Nha. 

Italy còn nhớ Prandelli?

Người ta đã nói rất nhiều về những cách tân của Italy dưới thời HLV Roberto Mancini. Nỗ lực không biết mệt mỏi của cựu HLV Inter Milan cùng học trò trong 3 năm qua đang được phản chiếu bằng "quả ngọt" ở EURO 2020, khi Italy đá hay, thắng đẹp, có chuỗi 32 trận bất bại và có mặt ở bán kết.

Được sản sinh từ một nền bóng đá răn dạy người ta phải tôn trọng các nguyên tắc căn bản và hạn chế thay đổi, nhưng Mancini cùng các học trò đã xóa bỏ định kiến trói buộc để xây dựng một Italy kiểu mới, thách thức rào cản truyền thống xưa cũ. 

Tuy nhiên, cuộc cách mạng của Mancini không phải cột mốc vu vơ xuất hiện trong dòng lịch sử, mà gần hơn với một sự tiếp nối. Italy đã sống lại hơi thở tấn công, tròn 7 năm sau những cách tân dang dở của HLV Cesare Prandelli.

Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử  - 2

Prandelli từng xây dựng Italy với triết lý tấn công lôi cuốn. 

Prandelli là thành viên của đội hình Juventus giành Cúp C1 châu Âu năm 1985. Trước khi dẫn dắt Italy, Prandelli có 5 năm cầm quân ở Fiorentina, nơi ông tạo dựng lối đá tấn công phóng khoáng, đẹp mắt, giúp "La Viola" vào bán kết UEFA Cup và giành vé dự Champions League dù sở hữu tiềm lực khiêm tốn.

Thực ra, HLV dẫn dắt một CLB Serie A dám chơi tấn công không phải điểm mới. "Gã điên" Zdenek Zeman từng biến Roma, Cagliari thành cỗ máy ghi bàn, hay Gian Gasperini đưa Atalanta vào tứ kết Champions League bằng lối đá hấp dẫn. Song, đưa hơi thở bóng đá tấn công lên tuyển Italy như Prandelli là điều không phải ai cũng dám làm. 

Năm 2010, Prandelli tiếp quản Italy, với tình cảnh gần giống Mancini bây giờ. Sau chức vô địch World Cup 2006, "Azzurri" thoái trào, khiến các giá trị truyền thống bị hoài nghi. Đó là thời điểm thích hợp để làm cách mạng. Người phất cờ là một Prandelli táo bạo và sẵn sàng đón nhận luồng tư tưởng mới.

Italy của HLV Prandelli vẫn ưu tiên phòng ngự, nhưng bắt đầu cởi mở với triết lý tấn công. "Azzurri" không còn chờ khối bê tông mọc lên đóa hồng như thời của Marcello Lippi, mà chủ động kiểm soát bóng, kiểm soát nhịp độ và đe dọa đối thủ.

ESPN gọi đội bóng của Prandelli là "Tikitalia" - một cách chơi chữ về việc người Italy đón nhận cảm hứng "tiki-taka" của Tây Ban Nha như một xu thế, để rồi phát triển cách chơi theo bản sắc riêng.

Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử  - 3

Màn ăn mừng đi vào lịch sử của Balotelli.

Năm 2012, "tiki-taca" phiên bản sao chép của Italy bay cao ở EURO. Màn ăn mừng kiểu khoe cơ bắp của Balotelli trong trận thắng Đức mang đầy đủ cá tính, hồn cốt của Italy bấy giờ: dũng cảm, cá tính, rắn rỏi và không ngại những tiếng cười chê. 

Dù thua tan nát 0-4 trước "bản gốc" Tây Ban Nha ở chung kết, trong đêm Balotelli nhỏ những giọt nước mắt đầy ám ảnh, đấy cũng là dấu mốc quan trọng trên hành trình thay đổi của Italy mà Prandelli một tay gây dựng. 

Cuộc cách mạng của Prandelli sụp đổ năm 2014, khi Italy một lần nữa chia tay World Cup từ vòng bảng. Italy đánh bại tuyển Anh 2-1 trong trận mở màn với 554 đường chuyền (kỷ lục giải đấu), nhưng dừng bưới sau hai thất bại choáng váng trước Costa Rica và Uruguay.

Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử  - 4

Italy của Pirlo bị loại sớm ở World Cup 2014. 

Cuối tháng 6/2014, Prandelli từ chức. Italy trở lại cách chơi cũ. Lề thói một lần nữa trói buộc Azzurri đến tận ngày HLV Mancini xuất hiện. Phần còn lại, như người ta thường nói, là một trang sử mới chờ Italy lật sang.

Thách thức chờ Italy

Người Italy đã chịu những cú đấm đủ đau để hiểu rằng bóng đá sẽ chết nếu không thay đổi. Thành công của Italy ở EURO 2000, World Cup 2006 hay EURO 2012 rất giống tháp Pisa - biểu tượng kiến trúc của quốc gia này ở chỗ: tất cả đều... nghiêng.

Nhưng nếu tháp Pisa trường tồn trong cái ngả nghiêng đậm tính lịch sử, bóng đá Italy dễ dàng ngả nghiêng rồi sụp đổ sau vinh quang bởi không có nền móng đủ vững.  

"Bóng đá Italy đang quá thiếu ý tưởng. Nếu các đội bóng không đủ tiền mua những nhà vô địch, hãy cố gắng để đào tạo ra họ. Hãy tập trung cho bóng đá trẻ". Lời kêu gọi của Prandelli 7 năm trước như một viên sỏi rơi vào xoáy nước câm lặng.

Bóng đá Italy có thiếu động lực? Câu trả lời là không. Sau đại án Calciopoli, Italy vô địch World Cup 2006. Mang trên mình cơ thể đầy thương tích trong những ngày đại dịch COVID-19 hoành hành ở Bergamo, Atalanta đã đè bẹp Valencia với tổng tỷ số 8-4.

Giọt nước mắt Balotelli và thử thách chờ Italy trước ngưỡng cửa lịch sử  - 5

Italy không bao giờ thôi hy vọng. 

Trước ngày dự EURO 2020, HLV Mancini viết thư ngỏ gửi đến học trò, kêu gọi Italy hợp thành một khối thống nhất để mang lại niềm vui cho người hâm mộ sau đại dịch COVID-19. Cứ sau một nỗi đau, Italy lại vùng dậy kiên cường. Đội tuyển nước này không bao giờ thôi hy vọng.

Cái thiếu duy nhất của Italy là một nền móng đủ vững để biến khát vọng thành bình minh trường cửu, chứ không phải một tia sáng lóe lên rồi vụt tắt.

Italy của Prandelli từng vào chung kết EURO, tức là đi xa hơn đội bóng của Mancini ở thời điểm này. Dẫu vậy, thành công ấy không tạo ra cho Azzurri một chu kỳ vinh quang đúng nghĩa. Đó là bài học phải nhớ, dù ngoái đầu hoài niệm luôn là thói quen của Italy. 

Italy cần một cuộc cách mạng toàn diện. Đó là câu chuyện của tương lai gần, không phải vấn đề HLV Mancini để tâm. Mục tiêu quan trọng nhất của Italy lúc này, có lẽ là tiếp tục tận hưởng, mà không cần nghĩ ngợi quá nhiều. Đội bóng của Mancini sẽ vút bay trong thú vui chơi bóng với niềm tin mãnh liệt vào bản thân.

Dù cái kết của Italy ở EURO là thế nào, phía trước Lorenzo Insigne cùng đồng đội cũng là bầu trời rộng mở. 

Hồng Nam
Chuyên đề: Euro 2020
Bình luận
vtcnews.vn