Giao lưu trực tuyến: Giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ - Mô hình hầm lạnh cho tàu cá

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 13/09/2018 08:19:00 +07:00

Đa số các tàu cá hiện nay thực hiện việc bảo quản sản phẩm sử dụng xốp cách nhiệt, ướp nước đá cây xay nhuyễn tổn thất lạnh theo thời gian rất lớn và làm giảm chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, tình trạng tổn thất hải sản sau thu hoạch khá lớn, chiếm khoảng 20 - 30% tổng sản lượng. Nguyên nhân là do tàu có hầm trữ lạnh không đạt chuẩn về cách nhiệt, cách ẩm.

Nguyên nhân chính là do những tồn tại của phương pháp bảo quản lạnh và hầm bảo quản truyền thống của tàu cá ngư dân hiện nay: thường có vách gỗ cách nhiệt kém; dễ thất thoát nhiệt; lọt ẩm, dễ thấm ướt và sản sinh nấm mốc, vi khuẩn có hại; đáy hầm phủ xốp, xốp cách nhiệt không đảm bảo, không an toàn.

Ham lanh tau ca

 Phương pháp bảo quản lạnh và hầm bảo quản truyền thống của tàu cá ngư dân hiện nay. 

Đa số các tàu cá thực hiện việc bảo quản sản phẩm sử dụng xốp cách nhiệt, ướp nước đá cây xay nhuyễn tổn thất lạnh theo thời gian rất lớn và làm giảm chất lượng sản phẩm.

Trước thực trạng này, PGS.TS. Phan Quí Trà Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng (trước đây là trường Cao đẳng Công nghệ) đã phối hợp với Sở KH&CN Đà Nẵng nghiên cứu, thiết kế một hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ bằng vật liệu inox 304 dày 2mm, có khả năng chống chịu với oxy hóa cao trong môi trường biển. Đây là vật liệu chính được sử dụng để làm vách, trần hầm lạnh với vật liệu có độ bền cao.

Cách thức này so với ban đầu sẽ tạo thành nhiều lớp vách cách nhiệt (lớp gỗ thành tàu, lớp foam PU, lớp inox), đảm bảo giảm thiểu thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường, giảm nước đá bị tan chảy so với trước đây và đảm bảo chất lượng thủy hải sản an toàn, nguyên vẹn...

Nhằm kết nối để đưa các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao ra thị trường, Trung tâm dịch vụ tổng hợp (Ban quản lý Khu vực công nghệ cao Hoà lạc) đã được Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 - Bộ KH&CN (Chương trình 2075) hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng và liên kết cộng đồng các nhà khoa học trẻ để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm sáng tạo tại các trường đại học và cao đẳng”.

Tại Đà Nẵng, Trung tâm dịch vụ tổng hợp đã thực hiện việc liên kết giữa khối các trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nhằm triển khai ứng dụng vào thực tiễn cũng như thương mại hóa thành công các nghiên cứu có giá trị điển hình như Công trình nghiên cứu hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ.

Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thường xuyên hỗ trợ cho các trường tại Đà Nẵng cũng như liên kết với các trường ở Quy Nhơn, Huế, Kon Tum thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, xúc tiến hình thành các vườn ươm, kết nối để sinh viên có cùng ý tưởng có thể gặp nhau cũng như gặp gỡ nhà đầu tư.

Kính mời quý độc giả quan tâm, xin đặt câu hỏi gửi về tòa soạn theo địa chỉ: [email protected].

Để tìm hiểu rõ hơn về công trình nghiên cứu Hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ - Một giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ và các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu trên diện rộng, mang lại lợi ích kinh tế cao cho bà con vùng biển, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ - Mô hình hầm lạnh cho tàu cá” vào lúc 9h00 sáng 20/09/2018.

Hai vị khách mời tham gia giao lưu: PGS.TS. Phan Quí Trà, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) và PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học-Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

Mai Lan
Bình luận
vtcnews.vn