Còn bao nhiêu sách in cờ Trung Quốc?

Giáo dụcThứ Hai, 11/03/2013 06:59:00 +07:00

(VTC News)- Sau sự kiện phát hiện nhiều cuốn sách có in cờ Trung Quốc, nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu loại sách như thế?

(VTC News)- Sau sự kiện phát hiện nhiều cuốn sách tham khảo cho trẻ mẫu giáo có in cờ Trung Quốc, nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu loại sách như thế trên thị trường?





Giật mình vì sách in cờ Trung Quốc

Nhiều phụ huynh cho biết sau khi được đọc thông tin trên báo chí về 2 cuốn sách tham khảo cho trẻ mầm non “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” và “Bé làm quen với chữ cái”, họ đều cảm thấy bất ngờ, bàng hoàng.
Cuốn "Bé làm quen với chữ cái" NXB ĐH Sư phạm có in cờ Trung Quốc
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 
Chị Nguyễn Thủy ( Đội Cấn, Hà Nội) bức xúc chia sẻ : “Sau khi đọc thông tin trên báo chí mới biết trước kia mình cũng đã từng mua sách này cho trẻ. Cháu nhà mình không nói ra nhưng không biết có nghĩ rằng hình ảnh đó là cờ của Việt Nam không nữa”.

Ngay sau khi đọc thông tin, chị Thủy đã phải ra hiệu sách để mua lại một cuốn sách khác có chỉ dẫn rõ ràng về Quốc kỳ của Việt Nam để cho cậu con trai tìm hiểu. Không để cho bé tự học như trước, lần này chị Thủy luôn chỉ dẫn rất cụ thể cho cậu con trai những hình vẽ cụ thể nhất.

 

Nếu mình bớt chút thời gian đọc kỹ từng cuốn sách mua cho cháu thì có lẽ sẽ loại bỏ lỗi này ngay từ đầu.

Anh Thắng tâm sự
 
Cũng có cùng suy nghĩ như chị Thủy, anh Thắng- một độc giả cũng tỏ ra khá bức xúc khi cũng đã từng mua phải cuốn sách “Bé làm quen với chữ cái” của NXB ĐH Sư phạm có in cờ Trung Quốc.


Điều mà anh Thắng lo ngại nhất cũng chính là tâm sự của nhiều cha mẹ. Khi hỏi dò một cách khéo léo, cậu con trai của anh Thắng vẫn hồn nhiên chỉ vào cờ của Trung Quốc và cho rằng đó là cờ của nước mình.

Ngay lập tức, anh Thắng cũng đã phải tìm những hình vẽ Quốc kỳ Việt Nam để cậu con trai tập tô lại cho đúng. Hai vợ chồng anh Thắng cũng nhận ra lỗi khi trước đây vẫn tin tưởng vào các nhà xuất bản và cũng chỉ “loáng thoáng” đọc qua nội dung các cuốn sách tham khảo.

“Sau vụ sách có in cờ Trung Quốc này, bản thân mình khi đi mua sách cũng phải lựa chọn kĩ càng hơn. Nếu mình bớt chút thời gian đọc kỹ từng cuốn sách mua cho cháu thì có lẽ sẽ loại bỏ lỗi này ngay từ đầu”. Anh Thắng tâm sự.

Trong khi đó, nhiều độc giả lớn tuổi cũng tỏ ra bức xúc: “Những đồng đội của chúng tôi đã không tiếc xương máu hi sinh cho độc lập của dân tộc. Đối với chúng tôi, hình ảnh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng lắm. Tôi nghĩ rằng, không thể để trẻ em đang chuẩn bị học chữ lại đi tiếp xúc với cờ nước khác mà không phải là Quốc kỳ của nước mình”.

 Bạn đọc chia sẻ về sự việc xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
Vị độc giả lớn tuổi này cũng cho rằng, trong sự việc này có một phần trách nhiệm rất lớn của các bậc phụ huynh. Chính các bậc cha mẹ cũng đang tạo điều kiện cho sách tham khảo cho thiếu nhi có chất lượng kém được lưu hành.


Những cuốn sách này đều đã được in cách đây hơn 1 năm với số lượng phát hành cả nghìn cuốn nhưng ít bậc phụ huynh nào phát hiện được.

“Nếu không chịu đọc kỹ sách của con thì sẽ còn những hậu quả bất ngờ hơn nhiều. Cha mẹ không có trình độ hay vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của con.?”. Độc giả này đặt câu hỏi.

Sau sự việc sách in cờ Trung Quốc, nhiều phụ huynh khẳng định sẽ đọc lại một cách tỉ mỉ những cuốn sách tham khảo đã mua cho con trong thời gian vừa qua.

“Nhiều cuốn sách bây giờ màu sắc bắt mắt quá làm cha mẹ nhiều khi cũng bị phân tâm. Sau sự việc này, chúng tôi chỉ mua sách cho con ở những nhà xuất bản uy tín”. Độc giả Hoàng Anh chia sẻ.

Thu hồi giấy phép xuất bản?

Xung quanh sự việc hàng loạt cuốn sách tham khảo cho trẻ mầm non có in cờ Trung Quốc, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi về chính sự lỏng lẻo trong quy trình biên soạn sách cho thiếu nhi.
Lương tâm và trách nhiệm của những người xuất bản ở đâu khi có những sản phẩm như thế này? 
Độc giả Đức Dũng (Nam Định) cho rằng sự việc vừa qua đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cẩu thả trong khâu biên tập và xuất bản sách ở Việt Nam hiện nay. Dù trả lời báo chí, những vị lãnh đạo các nhà xuất bản đều cho rằng đã có rất nhiều khâu kiểm tra để từ bản thảo cuốn sách tới được sản phẩm hoàn chỉnh nhưng dường như quy trình này rất lỏng lẻo.

“Từ bản thảo đến biên tập viên kiểm tra, trưởng ban biên tập kiểm tra, tổng biên tập đọc duyệt, giám đốc nhà xuất bản kiểm tra cuối cùng trước khi ký quyết định nhưng tại sao lại vẫn để lọt lỗi “to đùng” như thế. Phải chăng các vị này đều kiểm tra một cách qua loa về nội dung?” Anh Dũng đặt câu hỏi.

 

Liệu còn bao nhiêu những cuốn sách tương tự có in cờ Trung Quốc do sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của những người cùng làm ra nó?

Một độc giả
 
Đồng tình với ý kiến của anh Dũng, nhiều độc giả còn cho rằng hiện nay công tác liên kết xuất bản chính là kẽ hở để chất lượng sách đi xuống.


Một độc giả bày tỏ: “Nhiều nhà xuất bản do chỉ biết thu lợi trước mắt nên đã thả nổi cho các đối tác liên kết thích làm gì thì làm. Những sản phẩm giáo dục dành cho thiếu nhi rất quan trọng nên không thể thiếu đi cái tâm của người làm kinh doanh”.

Trước thái độ có phần lấp liếm của nhiều nhà xuất bản khi trả lời báo chí, nhiều bạn đọc có đề nghị với các cơ quan chức năng cần có những xử phạt mạnh tay đối với những đơn vị này.

Độc giả Đức Dũng cho rằng cần có một cơ chế xử lý cá nhân từng người như biên tập viên, trưởng ban biên tập, tổng biên tập hay giám đốc nhà xuất bản. “Không chỉ nói chung chung là chúng tôi xin lỗi và đang cho thu hồi sách in cờ Trung Quốc. Trách nhiệm của chính người đứng đầu nhà xuất bản cũng cần được làm rõ”.

Theo nhiều độc giả, chỉ khi xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, công tác xuất bản sách mới hết những “hạt sạn to đùng” như thời gian vừa qua.

“Nếu một nhà xuất bản thường xuyên sai sót trong các ấn phẩm của mình thì cơ quan chức năng cũng nên thu hồi giấy phép xuất bản”, một độc giả đề xuất.

Trong câu chuyện này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng có cả trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.  Bộ này không thể đứng ngoài nhìn và cho rằng đó là trách nhiệm của nhà xuất bản. Bộ GD-ĐT cần có cơ chế kiểm soát những loại sách này trên thị trường khi hiện nay thị trường sách tham khảo đang vô cùng bát nháo.

Sau sự việc này, rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn khi đặt câu hỏi liệu rằng ở Việt Nam còn có bao nhiêu tác giả non nớt về nghiệp vụ, bao nhiêu nhà xuất bản cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong khâu xuất bản?

“Liệu còn bao nhiêu những cuốn sách tương tự có in cờ Trung Quốc do sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của những người cùng làm ra nó?”, một độc giả bức xúc đặt câu hỏi.

Phạm Thịnh 

Bình luận
vtcnews.vn