Gian lận thương mại xăng dầu nhan nhản, ngày nào cũng có vụ vi phạm

Thị trườngThứ Hai, 06/07/2020 07:58:44 +07:00
(VTC News) -

Trong 1 năm 8 tháng, trung bình mỗi ngày 1,5 vụ gian lận thương mại xăng dầu bị xử lý, ngày nào cũng có vi phạm.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa ký kết quy chế phối hợp với Petrolimex để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại ngày càng phức tạp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt đối với Bộ Công Thương và QLTT. Trong thời gian gần đây vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, chủ yếu ở 3 lĩnh vực về điều kiện kinh doanh xăng dầu, giấy phép, mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống.

Vừa qua, lực lượng QLTT kiểm tra thường xuyên. Trong thời gian 1 năm 8 tháng, đã kiểm tra 1800 vụ việc, trung bình mỗi ngày 1,5 vụ bị xử lý, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại xăng dầu rất lớn, ngày nào cũng vi phạm.

Từ năm 2019 đến nay lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý 673/1.825 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng. Tịch thu 32 cột đo xăng dầu (cột đôi), 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng, tịch thu gần 80.850 lít xăng các loại, buộc thương nhân đầu mối thu hồi để tái chế đối với xăng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Gian lận thương mại xăng dầu nhan nhản, ngày nào cũng có vụ vi phạm - 1

Sự kiện cũng đánh dấu 63 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường.

 

Theo ông Trần Hữu Linh, việc 2 đơn vị ký kết quy chế phối hợp là thời điểm phù hợp, bởi Tổng cục QLTT mới thành lập mới được 1 năm 8 tháng, mô hình tổ chức thay đổi, việc kiểm tra, cảnh báo trên toàn hệ thống được thuận tiện hơn rất nhiều. Ông Linh lấy ví dụ, một tỉnh có dấu hiệu vi phạm có thể lần ra đường dây, doanh nghiệp, thậm chí cả vấn đề liên quan đến hóa chất pha chế… thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát dễ dàng.

Đây là quy chế đầu tiên lực lượng QLTT ký với doanh nghiệp, Tổng cục trưởng QLTT kỳ vọng khi triển khai quy chế này sẽ thiết thực và hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, Petrolimex chịu sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn và Gas. Sự gia tăng các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, các sản phẩm dầu nhờn, gas mới xuất hiện trên thị trường, Petrolimex không thể kiểm soát hết, các đối tượng có những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, tránh né sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Quy chế phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giúp lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nâng cao nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. 

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn