Giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh dịp sát Tết chống hàng kém chất lượng

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Tư, 13/12/2023 10:36:00 +07:00
(VTC News) -

Trả lời báo chí, đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chia sẻ về cách nhận diện các "mánh lới" của dân buôn đẩy hàng quá hạn sử dụng ra thị trường.

Tết Nguyên đán là dịp để thương nhân vừa giải quyết hàng tồn kho, vừa bán hàng mới phục vụ nhu cầu ăn Tết, mua sắm của người dân. Chính vì thế, họ tìm mọi cách để đẩy hết hàng tồn, bất chấp đó là hàng đã quá hạn sử dụng bằng cách "tẩy" hạn sử dụng.

Trong năm 2023, Hà Giang đã bắt giữ một lô hàng mứt Tết ghi hạn ngày sản xuất trong “tương lai” để kéo dài hạn sử dụng, đánh lừa người tiêu dùng. Đây là điều không hiếm có trên thị trường và nếu không cảnh giác, người tiêu dùng sẽ bị lừa, thậm chí khi sử dụng sản phẩm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Ông Trần Việt Hùng (giữa) cùng lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.  (Ảnh: VOV)

Ông Trần Việt Hùng (giữa) cùng lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.  (Ảnh: VOV)

Trao đổi với báo chí, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm đều có quy định về thời hạn sử dụng rất rõ ràng, cụ thể và cần phải thu hồi, tiêu hủy khi hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở sử dụng “mánh lới” để không phải tiêu hủy mà tái sử dụng bằng việc lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Một số khác “tinh vi” hơn thì tẩy xóa hạn dùng, thay bằng hạn dùng mới để đánh lừa người dùng.

Thủ đoạn dập lại hạn sử dụng mới hiện được tiến hành khá đơn giản. Theo đó, nếu cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ dập nổi lên bao bì thì có thể dễ dàng tẩy hạn bằng hóa chất, sau đó dập hạn mới lên sản phẩm. Với sản phẩm dập hạn bằng mực cũng có thể “phù phép” hạn cũ thành hạn mới một cách dễ dàng.

Còn các loại sản phẩm sử dụng bao bì nilon, giấy, chủ cơ sở hoặc người kinh doanh thường sử dụng cách dán nhãn, tem tự chế lên chỗ hạn sử dụng để che mắt người tiêu dùng.

Với việc tẩy xóa hạn dùng các sản phẩm sử dụng trực tiếp vào cơ thể con người như dược phẩm, thực phẩm, nước uống sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người. Đặc biệt với các loại hàng hóa như thuốc, thực phẩm... nếu sử dụng sản phẩm hết hạn, quá hạn sẽ dẫn đến hậu quả, hệ lụy khôn lường.

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Khi được hỏi: "Thị trường có hàng trăm mặt hàng khác nhau phục vụ Tết nguyên đán, vậy lực lượng chức năng xác định đâu là nhóm mặt hàng thường và dễ bị làm giả, làm nhái và có các gian lận thương mại để cảnh báo đến người dân?"

Ông Trần Việt Hùng trả lời: Cục Quản lý thị trường Hà Nội chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi trà trộn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đưa vào tiêu thụ tại các Hội chợ Tết, Hội chợ hàng tiêu dùng, Hội chợ hàng khuyến mại, các chương trình, chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tập trung kiểm tra hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng Việt Nam, ở một số mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng... chú trọng kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đầu mối bán buôn số lượng lớn, cung cấp nguyên liệu, đồng thời thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng biết và tránh sử dụng.

Thời gian qua, thông qua kiểm tra, phát hiện và xử lý, lực lượng quản lý thị trường nhận thấy nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, hàng tiêu dùng...

Đặc biệt, tập trung kiểm tra các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hoá tại địa bàn các quận huyện như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên…; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát nhanh, tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá tại cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài.

Cần cẩn thận với hàng quá hạn. (Ảnh minh hoạ)

Cần cẩn thận với hàng quá hạn. (Ảnh minh hoạ)

Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc phối hợp các lực lượng được tiến hành như thế nào để không tạo sự chồng chéo và bao quát được tất cả các vấn đề?

Ông Trần Việt Hùng cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp, chồng chéo, tuân thủ đúng quy định, quy trình, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

"Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm nhằm răn đe các đối tượng, kết hợp với các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt không gây phiền hà, trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa tận gốc tình trạng này".

Một vấn đề nữa mà người dân quan tâm đó là năng lực và đạo đức của những người chấp pháp. Câu hỏi đặt ra là điều này được Cục quản lý thị trường Hà Nội quán triệt như thế nào để tạo được niềm tin của Nhân dân.

Ông Trần Việt Hùng trả lời: Trong điều kiện lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, để thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm, Cục quản lý thị trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị phòng, đội, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân tha hóa, biến chất, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn