Giảm áp lực cho kỳ thi đại học kéo dài 8 tiếng, Hàn Quốc bỏ các câu hỏi hóc búa

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 03/07/2023 18:30:00 +07:00
(VTC News) -

Với hy vọng làm giảm áp lực cho học sinh trung học và giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp, chính phủ Hàn Quốc quyết định đơn giản hoá kỳ thi tuyển sinh đại học (CSAT).

Nuôi dạy một đứa trẻ ở Hàn Quốc không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Ngay khi con mình mới chập chững biết đi, nhiều bậc cha mẹ đã ráo riết tìm kiếm các trường mầm non tư thục ưu tú.

Đến khi những đứa trẻ chập chững này bước sang tuổi 18 và trở thành những thanh thiếu niên, chúng sẽ phải đối mặt với kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia kéo dài 8 giờ đồng hồ đầy áp lực để giành lấy tấm vé vào một trường đại học danh tiếng.

Nhưng để vượt qua được cột mốc này là cả hành trình gian nan, tốn kém và áp lực cho cả cha mẹ lẫn con cái. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giáo viên và cả phụ huynh đều đổ lỗi cho hệ thống giáo dục hà khắc đã gây ra nhiều vấn đề, từ sự bất bình đẳng trong giáo dục đến bệnh tâm thần ở giới trẻ và thậm chí cả tỷ lệ sinh giảm mạnh của đất nước.

Với hy vọng giải quyết các vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một bước đi gây tranh cãi: Đơn giản hoá kỳ thi tuyển sinh đại học.

Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại một trường học ở Seoul ngày 17/11/2022. (Ảnh: Getty)

Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại một trường học ở Seoul ngày 17/11/2022. (Ảnh: Getty)

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 26/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cho biết sẽ loại bỏ toàn bộ các câu hỏi hóc búa có trong Kỳ thi học lực vào đại học (CSAT).

Ông Lee cho biết loạt câu hỏi khó kinh điển này đôi khi bao gồm những kiến thức không nằm trong phạm vi chương trình giảng dạy của các trường công lập, khiến những học sinh tham gia các lớp học thêm bên ngoài có nhiều lợi thế hơn. Ông nói thêm rằng, mặc dù việc học gia sư là lựa chọn mang tính cá nhân, nhưng nhiều người cảm thấy đây là phương án bắt buộc do áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt để đạt điểm cao trong kỳ thi.

“Chúng tôi đang tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc giáo dục tư nhân làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và làm xói mòn sự công bằng của nền giáo dục”, ông Lee tuyên bố.

Những câu hỏi hóc búa và kỳ thi thay đổi cuộc đời

Vào thời điểm thanh thiếu niên Hàn Quốc bước vào trường trung học, phần lớn cuộc sống của các em chỉ xoay quanh việc học và chuẩn bị cho kỳ thi CSAT - một bước ngoặt mang tính quyết định tương lai của học sinh.

Sở dĩ học sinh Hàn Quốc lo sợ về kỳ thi này đến vậy là do bộ câu hỏi khó kinh điển của đề thi đã có truyền thống từ nhiều năm. Những câu hỏi “chết người” này bao gồm từ phép tính nâng cao cho đến những đoạn trích văn học vô cùng khó hiểu.

Trước áp lực phải đạt điểm số cao trong kỳ thi khó nhằn, hầu hết học sinh Hàn Quốc lựa chọn học gia sư hoặc học thêm tại các cơ sở luyện thi tư nhân (hagwons), khiến lịch trình học của các em dày đặc.

Bà của một sĩ tử gắn bảng tên của cháu mình tại ngôi chùa ở Seoul, cầu mong cháu đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học. (Ảnh: Getty)

Bà của một sĩ tử gắn bảng tên của cháu mình tại ngôi chùa ở Seoul, cầu mong cháu đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học. (Ảnh: Getty)

Theo CNN, đa số học sinh Hàn Quốc ban ngày sẽ đến trường tham gia các lớp học chính quy, sau khi tan học các em nhanh chóng di chuyển đến các lò luyện thi học vào buổi tối, sau đó các em về nhà và tiếp tục tự học cho đến sáng sớm.

Kết quả là, ngành công nghiệp luyện thi tư nhân ở Hàn Quốc phát triển rất lớn và mang lại nguồn lãi khổng lồ. Theo Bộ Giáo dục, vào năm 2022, người Hàn Quốc đã chi tổng cộng 26 nghìn tỷ won (tương đương gần 20 tỷ USD) cho giáo dục tư nhân. Con số này gần bằng tổng GDP của các quốc gia như Haiti (21 tỷ USD) và Iceland (25 tỷ USD).

Bộ trưởng Lee cho biết, năm 2022, trung bình học sinh ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chi khoảng 410.000 won/tháng (tương đương 311 USD) cho giáo dục tư nhân - con số cao nhất kể từ khi Bộ giáo dục bắt đầu theo dõi số liệu vào năm 2007.

Đây cũng chính lý do tại sao nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc với các mức thu nhập khác nhau đều dồn mọi nguồn lực của họ vào việc giáo dục con cái, vì sợ rằng con mình sẽ bị tụt lại phía sau. Gánh nặng này cao hơn đáng kể đối với các gia đình khó khăn, những người phải dành phần lớn thu nhập cho việc giáo dục con cái so với các hộ gia đình có điều kiện hơn.

Cuộc chạy đua giáo dục với chi phí khổng lồ

Cuộc đua giáo dục này gây thiệt hại nặng nề cho cả học sinh và phụ huynh. Các nhà phê bình từ lâu đã lập luận rằng áp lực học đối với học sinh là một yếu tố dẫn đến sự khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Hàn Quốc – nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Năm ngoái, Bộ Y tế Hàn Quốc cảnh báo rằng tỷ lệ tự tử gia tăng mạnh ở thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi 20. Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022 cũng cho thấy, trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc, gần 1/4 nam sinh và 1/3 nữ sinh thừa nhận đã từng bị trầm cảm.

Phần lớn người Hàn Quốc cho rằng, “từ bỏ hoặc trì hoãn việc sinh con là một cách để tránh nghèo đói”. (Ảnh: Getty)

Phần lớn người Hàn Quốc cho rằng, “từ bỏ hoặc trì hoãn việc sinh con là một cách để tránh nghèo đói”. (Ảnh: Getty)

Giáo dục còn gây áp lực nặng nề lên cả các bậc cha mẹ. Các chuyên gia tin rằng khoản chi tiêu khổng lồ cho giáo dục của con cái là một trong những nguyên nhân chính khiến người Hàn Quốc ngày càng không muốn có con.

Hàn Quốc luôn được xếp hạng là quốc gia có chi phí nuôi dạy trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi đắt đỏ nhất thế giới, phần lớn là do chi phí giáo dục. Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy họ chỉ có thể tập trung nguồn lực của mình vào một đứa con.

Năm 2022, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78 – thấp hơn 50% mức tiêu chuẩn (2,1) để duy trì mật độ dân số ổn định, và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,3) - quốc gia có tỷ lệ dân số già nhất thế giới.

“Chi phí nuôi con cao chiếm một phần lớn trong ngân sách của các gia đình có thu nhập thấp. Nếu không có thêm thu nhập, việc có con sẽ dẫn đến mức sống thấp hơn và các gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói”, báo cáo của OECD năm 2018 cho biết, đồng thời tiết lộ thêm rằng “từ bỏ hoặc trì hoãn việc sinh con là một cách để tránh nghèo đói”.

Một bước đi đúng hướng?

Những nỗ lực khắc phục vấn đề đến nay hầu như không hiệu quả. Chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để khuyến khích người dân sinh thêm con, nhưng gần như không có tiến triển.

Các nhà hoạt động cho rằng thay vào đó, Hàn Quốc cần thay đổi sâu sắc hơn, chẳng hạn như dỡ bỏ các chuẩn mực giới tính cố hữu và hỗ trợ nhiều hơn cho các bậc cha mẹ đang đi làm.

Về mục tiêu đơn giản hoá bài thi CSAT, nhiều tổ chức và người dân hoan nghên quyết định này, cho rằng điều đó là cần thiết để giải phóng học sinh khỏi sự cạnh tranh quá mức.

Ngày 26/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã chỉ trích các trung tâm giáo dục tư nhân kiếm lợi từ sự lo lắng của phụ huynh và học sinh, đồng thời cam kết sẽ làm cho hệ thống trở nên công bằng và “xóa bỏ” văn hóa học thêm.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã thành lập một đường dây nóng để người dân báo cáo những hành vi sai trái của các cơ sở này. Theo Bộ trưởng, chính phủ cũng sẽ cung cấp nhiều chương trình dạy kèm sau giờ học hơn trong khu vực công, đồng thời cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn để tránh việc học sinh bị ép tham gia các trung tâm luyện thi.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuần trước đã công bố một số đề thi thử, trong đó tổng hợp các câu hỏi được rút ra từ các bài kiểm tra CSAT trước đây nhằm đánh giá tỉ lệ học sinh có thể giải được các câu khó, từ đó loại bỏ những câu hỏi hóc búa trong các bài kiểm tra trong tương lai.

Phương Thảo(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn