Giải pháp nào để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế?

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 24/08/2022 06:35:00 +07:00
(VTC News) -

Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng các chương trình liên kết Quốc tế do Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT tổ chức, bà Đoàn Thanh Hương, Viện Quản trị và Công nghệ FSB cho hay, hiện Đại học FPT đang có hợp tác quốc tế nhằm trao đổi chuyên môn với khoảng 50 cơ sở đào tạo nước ngoài. Kinh nghiệm của FPT trong đảm bảo chất lượng đào tạo là đối tác phải đáp ứng bốn tiêu chí: Có thứ hạng tốp 1.000, có thế mạnh trong chuyên ngành liên kết đào tạo, có triết lý giáo dục tương đồng với Đại học FPT và phải phù hợp với đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.

“Với mỗi đơn vị liên kết đào tạo quốc tế, chúng tôi thường mất từ hai đến ba năm để làm việc, đàm phán trước khi triển khai”, bà Hương nói.

Giải pháp nào để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế?  - 1

 Trường Đại học FPT đang liên kết với khoảng 50 cơ sở đào tạo nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Theo bà Đoàn Thanh Hương, để nâng cao chất lượng các chương trình liên kết quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc sâu sắc hơn, nhất là đưa ra các tiêu chuẩn đủ điều kiện liên kết cao hơn, như đạt đánh giá kiểm định quốc tế, hoặc kiểm tra, phê duyệt chương trình liên kết.

Qua những chia sẻ của các chuyên gia tham dự hội thảo, có thể thấy một trong những yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo là việc minh bạch hóa thông tin liên kết quốc tế, tránh đánh đồng các chương trình hoặc nhập nhèm thông tin gây hiểu lầm cho học viên, phụ huynh và xã hội.

Bên cạnh đó, các trường đại học trong nước cũng đang nỗ lực lựa chọn những đối tác và chương trình uy tín để hợp tác. Điều này không chỉ giúp “nhập khẩu” thành công giáo trình, giảng viên, hệ kiến thức và kỹ năng chuẩn quốc tế, mà còn góp phần tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động đào tạo trong nước như chuẩn hóa chương trình tiệm cận quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên.

Năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực, cho phép đại học trong nước nếu đủ điều kiện tự chủ được tự mở ngành đào tạo và chương trình liên kết mà không cần xin chủ trương và cấp phép. Cơ chế này đã nới rộng cánh cửa và tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động hợp tác liên kết quốc tế.

Các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới nở rộ nhanh chóng. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 600 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, trong đó có 282 chương trình tiến sĩ, 106 chương trình thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo đại học. Đứng đầu danh sách các quốc gia liên kết cấp bằng với Việt Nam là Vương Quốc Anh (chiếm khoảng 24,7% số chương trình liên kết), Mỹ (14,5%) và Pháp (13%).

Tuy số lượng nhiều nhưng hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài còn không ít hạn chế. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn chế đầu tiên là trong việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021). Chất lượng đào tạo của các chương trình này cũng khó kiểm soát hơn so với các chương trình trong nước. Năm 2020, Bộ đã phải rà soát và cho dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn