Giải nỗi lo ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Sức khỏeThứ Tư, 10/02/2016 07:17:00 +07:00

Dịp Tết Nguyên Đán, ngoài khâu lên danh sách, “lập trình” thực đơn ăn uống cho cả gia đình, vấn đề phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng là chủ đề nóng.

(VTC News) - Dịp Tết Nguyên Đán, ngoài khâu lên danh sách, “lập trình” thực đơn ăn uống cho cả gia đình, vấn đề phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng là chủ đề mà rất nhiều người quan tâm.

An toàn từ khâu chọn thực phẩm

Để khỏi bị nhiễm độc, tốt nhất bạn nên ra chợ tự mua thực phẩm, chọn những loại thực phẩm như (cá, tôm, gà, vịt...) đang còn sống, cử động được, tốt hơn hết là đã qua kiểm dịch. 

Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình.

 Cần chú ý đến khâu chọn lựa thực phẩm

Để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây, không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt mà chuột, bọ, dán, ruồi... có thể động chạm đến.

Rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống thường xuyên

Thói quen tốt này có khả năng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống. 

Việc rửa tay tưởng chừng như rất đơn giản, tuy nhiên nếu rửa tay không đúng cách thì cũng vô tác dụng. Theo các chuyên gia, bạn cần rửa tay bằng nước ấm cùng với xà bông diệt khuẩn, sau đó lau khô tay với khăn vải mềm và nếu cẩn thận hơn có thể dùng bông gòn thấm cồn lau lên đôi bàn tay. 

 Rửa tay sạch trước khi ăn

Công đoạn rửa tay nên được tiến hành trước và sau khi chuẩn bị món ăn, đặc biệt là đối với những loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng và các loại hải sản. Những vật dụng trong ăn uống cũng nên được rửa sạch với nước rửa bát và nước sạch, để loại trừ những loại vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt.

Nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp

Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Muốn khẳng định chắc chắn xem thực phẩm đó có được nấu chín ở nhiệt độ an toàn hay không, bạn có thể sử dụng nhiệt kế đo độ để kiểm tra.

 Nấu chín thực phẩm là cách tránh ngộ độc hiệu quả

Theo ý kiến từ phía các chuyên gia, thức ăn an toàn là khi được nấu chín ở nhiệt độ 60 - 1000C. 

Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh

Các loại vi khuẩn gây hại tiềm ẩn trong thực phẩm sẽ phát tán rất nhanh nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. 

Thực phẩm sau khi mua khoảng 2 giờ tại các cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Còn nếu ở điều kiện nhiệt độ phòng (khoảng 32oC), trong vòng 1 giờ thì các loại thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh.

 Bảo quản thực phẩm ở nơi thoáng mát

Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3 - 5 ngày.

Bày bàn ăn cũng cần đúng cách

Vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh chóng nếu thức ăn không được bảo quản sau khi chế biến.

Bày bàn ăn đúng cách cũng là biện pháp hữu hiệu giúp bạn phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo an toàn bạn hãy tuân thủ theo những nguyên tắc dưới đây.

Hãy loại bỏ thức ăn dư thừa (đã tiếp xúc với nhiệt độ phòng lâu hơn 2 giờ đồng hồ hoặc để ngoài thời tiết nóng trong hơn 1 giờ).

Nếu bạn có nhu cầu bày biện thức ăn nguội ra sớm hơn 2 giờ đồng hồ, hãy sử dụng khay đá đặc phía dưới để thức ăn được bảo quản lạnh tốt hơn và thay thường xuyên khi đá tan chảy. Khi dùng khay đá, bạn nên đựng thức ăn vào đồ đựng nông để tất cả các phần trong thức ăn được bảo quản đều.

Nếu bạn muốn bày thức ăn nóng trong hơn 2 tiếng, bạn nên sử dụng khay giữ nóng thức ăn, lò hâm (để ở bàn ăn) để giữ thức ăn luôn nóng.

Một số biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm thường có những biểu hiện thông qua các triệu chứng xảy ra sau khi ăn uống như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê môi, tiêu chảy... 

 Đau bụng là biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước.

Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.

Hùng Phú (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn