Giá USD tăng cao, doanh nghiệp vừa chạy nước rút cuối năm vừa lo gánh lỗ

Tài chínhThứ Năm, 21/12/2023 06:35:52 +07:00
(VTC News) -

Tỷ giá USD/VND tăng nhiều ngày qua khiến các doanh nghiệp sốt ruột lo bù lỗ trong bối cảnh đang gấp rút sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Đầu giờ sáng nay 21/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.938 đồng/USD, tăng 24 đồng/USD so với đầu giờ sáng qua.

Tỷ giá mua tham khảo được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước neo ở mức 23.400 đồng/USD. Tỷ giá bán tham khảo tăng 32 đồng so với đầu giờ sáng qua, lên mức 25.059 đồng/USD.

Cùng xu hướng với động thái này, giá USD tại các ngân hàng đều vượt mốc 24.500 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tại Vietcombank, USD được niêm yết ở mức giá 24.140 - 24.510 đồng/USD (mua - bán). BIDV niêm yết giá USD tương ứng ở mức 24.190 - 24.490 đồng/USD; Agribank niêm yết mức 24.160 - 24.510 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp sốt ruột. (Ảnh minh họa: Bizlive).

Tỷ giá USD/VND tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp sốt ruột. (Ảnh minh họa: Bizlive).

Theo các chuyên gia, ở thời điểm cuối năm, USD có xu hướng “nóng” lên khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa dịch vụ cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Vì vậy, đồng bạc xanh được dự báo còn tiếp tục đi lên.

Tỷ giá tăng có thể khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng dịp cuối năm. 

Cụ thể, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận, mức độ ảnh hưởng như thế nào tùy vào doanh nghiệp cụ thể.

Trường hợp doanh nghiệp phát sinh doanh thu từ USD hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác thì từ đó có thể đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Còn với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD cũng sẽ khó khăn khi USD tăng giá. Giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Đại diện một công ty chuyên về dược phẩm, có trụ sở tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong quá trình nhập hàng từ nước ngoài, doanh nghiệp và đối tác sử dụng tiền tệ là USD. 

Thông thường, hai bên sẽ thống nhất tỷ giá bằng cách căn cứ theo một ngân hàng nào đó hoặc là đôi bên cùng thỏa thuận một tỷ giá riêng phù hợp. Thời gian gần đây, doanh nghiệp này phải gánh khoản lỗ khi nhập các sản phẩm từ Mỹ bởi giá USD gần đây liên tục tăng cao.

Vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ thêm rằng hiện họ chưa có phương án nào để khắc phục. “Chúng tôi luôn giữ ổn định giá bán sản phẩm vì thông thường đã có kế hoạch tăng giá sản phẩm theo quý, theo năm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng giữa lạm phát như hiện tại. Do đó, các sản phẩm bị lỗ do tỷ giá tăng cao hiện vẫn chưa có cách khắc phục" .

Được biết, doanh nghiệp dược phẩm này hiện đang nhập hàng của 2 nhà cung cấp Mỹ, với khoảng 100 mặt hàng khác nhau, chiếm tỷ lệ khoảng 47% nguồn hàng nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang phải chịu khoản chênh lệch tỷ giá với ít nhất 47% đơn hàng nhập khẩu.

Theo ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu đồ uống), tỷ trọng hàng hóa nhập ngoại của doanh nghiệp này không cao, chỉ có 2 mã hàng. Do đó, chênh lệch tỷ giá USD không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh. Nhưng đối với những công ty làm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, lượng đơn hàng nhập về thường xuyên theo tuần thì chắc chắn chênh lệch tỷ giá USD sẽ rất ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

"Lấy ví dụ, dịp đầu năm, giá USD khoảng 22.500 đồng/USD, còn bây giờ khoảng hơn 24.800 đồng. Giả sử một container hàng hóa trị giá 50.000 USD thì chỉ tính riêng tiền chênh lệch tỷ giá đã tốn thêm khoảng 140 triệu đồng, đây là một khoản tiền không hề nhỏ" , ông Mạnh dẫn chứng.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Tuy tỷ giá USD đang biến động nhưng các chuyên gia vẫn giữ cái nhìn lạc quan khi cho rằng đây là biên độ chấp nhận được và kịch bản này là bình thường, trong bối cảnh nguồn cầu cao.

Lý giải về việc tỷ giá tăng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu về ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu cho mùa sản xuất, bán hàng cao điểm gần Tết Nguyên đán vẫn cao, nên có thể tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tăng.

Dù vậy, theo ông Hiếu, ước tính tỷ giá USD/VND sẽ không tăng quá 3% trong năm nay và đây là biên độ bình thường.

Ông Hiếu phân tích: "Trước đây, Mỹ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua việc liên tục tăng lãi suất đã đẩy USD tăng cao. Vì vậy, thông điệp mạnh mẽ của Fed sẽ giảm lãi suất trong năm tới khiến áp lực lên tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam không còn".

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, áp lực tỷ giá là có nhưng không quá lớn. Việc điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra sự yên tâm cho thị trường nên sẽ không biến động mạnh. Tỷ giá USD/VND cả năm 2023 cũng biến động trong biên độ bình thường, dưới 3% như kịch bản đưa ra từ đầu năm.

Cũng theo ông Thịnh, giá USD vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng từ nay đến đầu năm tới là giảm dần do Mỹ sẽ không tăng mạnh lãi suất. 

Đặc biệt, thặng dư cán cân thanh toán lớn, tương đương ngoại tệ thu vào nhiều hơn chi ra, giải ngân FDI tăng, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục lớn. 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn