Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước trước sự biến động tỷ giá

Tài chínhThứ Sáu, 22/09/2023 14:44:43 +07:00

Sau hơn nửa năm ngừng phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước vừa bất ngờ thông báo phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về.

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo về việc phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá vào 19/10/2023.

Ngân hàng hút tiền về để ổn định tỷ giá.

Ngân hàng hút tiền về để ổn định tỷ giá.

Đáng chú ý, đây là phiên đầu tiên Ngân hàng Nhà nước sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3/2023). Động thái diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa trong thời gian gần đây. Số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm là 14%), và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 5,33% đến cuối tháng 8.

Việc hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước cũng được cho có liên quan tới diễn biến tỷ giá những ngày qua. Hiện, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã quay đầu hạ nhiệt đáng kể. Tại Vietcombank, tỷ giá USD sau khi vọt lên 24.550 đồng vào đầu tuần này, hiện đã lùi về 24.430 đồng.

Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu thị trường tài chính FiinGroup, ở thời điểm hiện tại khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa, động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước nên được xem xét trong mối tương quan với diễn biến về tỷ giá. Động thái này cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” tỷ giá và theo đó, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang “nhấp nhổm” rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội chiều 21/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Lãi suất giảm đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định. Tại cuộc họp gần đây, tôi cũng đã có nói, điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định hiện Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn