Giá hàng hóa tăng bất thường là do đầu cơ thái quá

Kinh tếThứ Bảy, 19/11/2011 07:10:00 +07:00

(VTC News) – Giá cả thị trường chịu 3 ức chế: do tình trạng đầu cơ thái quá đã diễn ra, không kiểm soát được...

(VTC News) – Giá cả thị trường chịu 3 ức chế: do tình trạng đầu cơ thái quá đã diễn ra, không kiểm soát được; do can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp; do hệ thống phân phối bị tắc nghẽn, không thông suốt.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật giá ngày 18/11, các ĐBQH đồng tình cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng hiện nay nhiều bất cập trong vấn đề giá, sự quản lý và điều tiết giá của nhà nước trong một số lĩnh vực chưa thật sự hiệu quả, tính cạnh tranh về giá theo cơ chế thị trường chưa thực sự đúng.

Vì vậy, các ĐBQH cho rằng, sự ra đời của Luật giá chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho việc cạnh tranh giá theo cơ chế thị trường, đảm bảo tính hội nhập thế giới của nền kinh tế, đồng thời cũng giữ được vai trò của nhà nước trong một số lĩnh vực.


ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, yếu tố quản lý giá cần phải được xem xét, sớm cụ thể hóa hơn trong Luật giá tại Việt Nam – Ảnh: TTXVN. 

Tuy nhiên, thảo luận về dự án Luật giá, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn lo lắng về tình trạng chỉ số giá cả ở Việt Nam hiện nay tăng và có những biến động bất thường.


Theo ĐB Ngân, trong thời gian vừa qua chúng ta đã nhìn nhận là lạm phát của Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách tiền tệ, có chính sách tài khóa, nhưng tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng hơn nữa là vấn đề quản lý giá.


“Nói đến giá cả sẽ biến động theo quy luật cung cầu, nếu nhu cầu tăng, giá có thể tăng và ngược lại, nhưng trong thời gian vừa qua mặc dù đường cung dịch chuyển hướng tăng lên, theo đúng quy luật giá phải giảm nhưng mà giá vẫn tăng” – ĐB Ngân lo ngại.


Việt Nam là đất nước có những thế mạnh về nông nghiệp, về lương thực, thực phẩm nhưng giá cả về mặt lương thực, thực phẩm tăng cao so với các nước, cao gấp 3 lần so với các nước trong khu vực.

“Như vậy, chúng ta lo thiếu nguồn cung giá sốt, đằng này cung tăng dồi dào nhưng giá vẫn sốt, yếu tố quản lý giá cần phải được xem xét, sớm cụ thể hóa hơn trong Luật giá tại Việt Nam” – ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ, giá cả trong thời gian qua có nhiều bất cập, “tôi cho bất cập vừa qua do yếu kém về quản lý chứ không phải do yếu kém về khung pháp lý”.


ĐB Lịch cho rằng, giá cả thị trường chịu 3 ức chế: do tình trạng đầu cơ thái quá đã diễn ra, không kiểm soát được; do can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp; do hệ thống phân phối bị tắc nghẽn, không thông suốt.


“Ba ức chế này làm cho giá cả méo mó, thực chất luật này khó khăn nhất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, về cách tiếp cận làm sao để Nhà nước kiểm soát được giá, bình ổn được giá nhưng phải làm cho thị trường nhiều hơn chứ không phải nhà nước nhiều hơn. Cảm nhận của tôi về luật này dường như nhà nước nhiều hơn chứ không phải thị trường nhiều hơn” – ĐB Lịch đưa ý kiến.

ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đề nghị, nên quy định theo hướng Nhà nước chỉ điều chỉnh can thiệp trực tiếp vào giá cả bằng các biện pháp kinh tế khi thị trường có biến động lớn, có tác động tiêu cực đến nền kinh tế đời sống của nhân dân.


“Dự thảo luật ra đời mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường, điều chỉnh dần sự can thiệp sâu của Nhà nước, mục tiêu này đúng với quan hệ cung cầu. Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường nếu theo đúng lộ trình gia nhập WTO năm 2016 chúng ta mới được công nhận nền kinh tế thị trường. Do đó, trong điều kiện hiện nay, vẫn phải có sự điều tiết can thiệp của Nhà nước để bảo đảm bình ổn giá, bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho sản xuất tiêu dùng” – ĐB Nam nói.


Tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của nhà nước trong quản lý giá, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu, nhà nước cần phải là cơ quan trọng tài để đảm bảo đưa ra các cơ chế trọng tài để giải quyết vấn đề về giá, các vấn đề tiêu cực, đồng thời đưa ra tiêu chí đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, trong vấn đề hình thành giá của xã hội, hoặc đưa ra các biện pháp kịp thời phòng ngừa hoặc dự báo kịp thời các biện pháp để chúng ta đảm bảo giá luôn được ổn định, tạo điều kiện ổn định về kinh tế, an sinh xã hội.


“Có làm được điều này chúng ta mới tạo được lòng tin của người dân, tình hình giá cả như vừa qua tôi cho rằng có luật này cũng không giải quyết được - mà vai trò nhà nước là rất quan trọng” - ĐB Hùng nhấn mạnh.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn