Gái rượu nhà Đặng Thành Tâm 'giật' ngôi 9x giàu nhất sàn chứng khoán

Kinh tếThứ Sáu, 14/03/2014 11:13:00 +07:00

(VTC News) - Tiểu thư Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh không còn giữ được danh hiệu 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Danh hiệu đổi chủ
Sàn chứng khoán Việt Nam ngày càng chứng kiến nhiều sự xuất hiện của thế hệ 9X. Những tiểu thư 9X này bỗng dưng trở thành triệu phú chỉ sau vài ngày mua vào cổ phiếu tại chính công ty của cha mẹ họ. Không ai biết nguồn gốc số tiền họ mua cổ phiếu nhưng rõ ràng đó là những con số không nhỏ.
Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, ái nữ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là 9X đầu tiên gây ấn tượng mạnh khi nắm giữ hơn 3,5 triệu cổ phiếu REE. Theo giá đóng cửa ngày 13/3, tổng tài sản bằng chứng khoán của Nhất Hạnh là 114 tỷ đồng.
nhất hạnh
Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh không còn là triệu phú 9X giàu nhất sàn chứng khoán
“Nghèo” hơn Nhất Hạnh rất nhiều nhưng Nguyễn Trần Thảo Nguyên, cô gái sinh năm 1992, con gái ruột của ông Nguyễn Quang Hòa, phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) cũng là triệu phú trên sàn chứng khoán.
Đầu tháng 3 năm nay, Thảo Nguyên gây chú ý khi công bố dùng tiền tiết kiệm của mẹ để mua vào gần 1,26 triệu cổ phiếu TNA. Trước đó, Thảo Nguyên nắm giữ hơn 780.550 cổ phiếu TNA, tương đương 9,76% cổ phần. Nếu giao dịch thành công, tiểu thư này sẽ sở hữu 25,49% cổ phần TNA.
Giao dịch dự kiến diễn ra trong 1 tháng kể từ ngày 24/3. Tuy nhiên, do đặt giá mục tiêu là 24.900 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với 28.000 đồng, mức giá đóng cửa của ngày 13/3 nên Thảo Nguyên khó có thể mua vào như đúng dự kiến.
Nhưng giả sử Thảo Nguyên vẫn quyết mua vào với khối lượng dự kiến thì theo mức giá ngày 13/3, giá trị cổ phiếu của ái nữ này sẽ là 57 tỷ đồng.
Thế nhưng, cả Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh và Nguyễn Trần Thảo Nguyên đều phải đứng sau Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái của đại gia Đặng Thành Tâm. Sau một lần mua vào bất thành vì giá “không đạt kỳ vọng”, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh đã mua thành công 10 triệu cổ phiếu KBC với giá… cao hơn.
Nếu trong đợt đầu chào mua, Quỳnh Anh không chê KBC đắt thì cô đã có thể gom với giá 10.100 đồng/CP. Nhưng giao dịch thành công của Quỳnh Anh lại diễn ra từ 12/2/2014 đến 12/3/2014. Trong giai đoạn này, mức giá thấp nhất của KBC là 11.100 đồng/CP, cao nhất là 13.500 đồng/CP. Vì vậy ái nữ nhà Đặng Thành Tâm bị mua “đắt” tối thiểu là 10 tỷ đồng và tối đa 34 tỷ đồng.
Với việc mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh đã trở thành cổ đông của Tập đoàn Kinh Bắc khi với tỷ lệ sở hữu 3,45%. Tính theo giá đóng cửa ngày 12/3, giá trị cổ phiếu của Quỳnh Anh là 126 tỷ đồng. Như vậy Quỳnh Anh đã soán ngôi của Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh để trở thành 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện đang có 3,45% vốn KBC, không loại trừ khả năng tiểu thư họ Đặng tiếp tục mua vào để trở thành công đông lớn, sở hữu 5% vốn KBC.
KBC liên tục bị “đẩy ra”
Trong khi Đặng Nguyễn Quỳnh Anh mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC thì hàng chục triệu cổ phiếu KBC trong tài khoản của họ hàng nhà cô lần lượt “ra đi”. Gần đây nhất, chỉ trong 3 ngày, từ 20,21 và 24/2/2014, bà Nguyễn Thị Kim Xuân, chị vợ ông Đặng Thành Tâm đã bán ra hơn 11,6 triệu cổ phiếu KBC. Tỷ lệ nắm giữ của bà Xuân giảm xuống 10,97%, tương đương hơn 31,8 triệu đơn vị. Bà Xuân thu về khoảng 150 tỷ đồng từ giao dịch này.

Đặng Nguyễn Quỳnh Anh đã trở thành 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Chỉ sau 20 ngày bán thành công hơn 11,6 triệu đơn vị, bà Xuân tiếp tục “đẩy hàng”. Trong 2 ngày 6 và 7/3/2014, bà Xuân bán thêm hơn 8,3 triệu và gần 5,3 triệu. Như vậy, số cổ phiếu trong tài khoản của bà Xuân hụt hơn 13,6 triệu cổ phiếu, chỉ còn 18,17 triệu cổ phiếu, tương đương 6,27%. Theo giá đóng cửa thì bà Xuân có thể thu về khoảng 170 tỷ đồng.
Như vậy, sau 5 ngày bán ra hơn 25,2 triệu cổ phiếu KBC, bà Xuân thu về khoảng 320 tỷ đồng. Con số này cao gấp 5 lần lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Kinh Bắc năm 2013 và cao gần gấp 10 lần năm 2011.
Không bán ra cổ phiếu nhưng bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em ruột ông Đặng Thành Tâm lại đăng ký dùng 19 triệu cổ phiếu KBC đi góp vốn đầu tư vào công ty khác. Như vậy, lượng cổ phiếu sở hữu của bà Phương giảm từ gầ 22 triệu cổ phiếu tương (7,4%) xuống hơn 2,9 triệu cổ phiếu (1%).
Bình luận
vtcnews.vn