Gạc Ma 1988: Lời hứa cuối cùng với mẹ của người chiến sĩ hải quân mãi mãi không về

Thời sựThứ Tư, 13/03/2019 12:05:00 +07:00

Trước lúc ra đảo Gạc Ma, người sỹ quan Hải quân Việt Nam hứa ngày về sẽ sửa lại nhà cho mẹ, thế mà anh mãi mãi không về.

gac ma 8

 

Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến ngày tưởng niệm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) chúng tôi lại đến thăm mẹ của liệt sỹ Trần Văn Phương, bà Hồ Thị Đức (SN 1931, trú thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Năm nay mẹ Đức đã yếu đi nhiều, chân đi không vững, tay run, tóc bạc hơn, mắt mờ, trí nhớ đã giảm và tai không còn nghe rõ như xưa. Thấy chúng tôi, mẹ rưng rưng hỏi: “Con đến thăm thằng Phương phải không?”, rồi dẫn chúng tôi vào bàn thờ nơi đặt di ảnh của anh Phương, xúc động khấn: "Phương ơi! Thế là con bỏ mẹ đi được 31 năm rồi đấy. Lại chuẩn bị đến ngày giỗ chung của con và các đồng đội rồi..."

Mẹ Đức sinh được cả thảy được 3 người con trai và anh Trần Văn Phương là con trai đầu lòng. Từ lúc Phương sinh ra cho đến khi lớn và đi bộ đội, nhà mẹ Đức nghèo lắm, cơm cũng không có mà ăn.

gac ma 1 4

(Ảnh thiết kế: Hà Thành) 

Thế nhưng, có lẽ thấu hiểu cảnh nghèo của gia đình và là con trai trưởng trong nhà nên ngay từ nhỏ anh Phương đã bộc lộ là người con hiếu thảo, chăm ngoan và học giỏi. Ngoài những giờ đi học, Phương đều chăm chỉ giúp bố mẹ cáng đáng việc nhà. Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay Phương.

Học xong lớp 10, Trần Văn Phương ''gác bút nghiên'' theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhập ngũ, Phương được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Tháng 1/1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm Khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Cuối năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7.

Tháng 1/1986, anh được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm Thiếu úy. Tháng 3/1988 Thiếu úy Trần Văn Phương trở thành Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa).

Video: Ký ức Gạc Ma trong vị thuyền trưởng kiên trung giữ đảo

Trước khi lên đường ra Gạc Ma, Phương được cho nghỉ phép về thăm nhà, lúc đó trong túi Phương không có một đồng đi đường. May mắn, anh xin đi nhờ xe về đến cầu Giang rồi cuốc bộ về nhà.

Mẹ Đức sụt sùi: “Thời đó gia đình nghèo lắm, toàn phải nhịn đói nên lúc nó về chẳng có gì ăn. Nó nói: Mạ ơi có khoai vằm (khoai lang, thái nhỏ, phơi nắng) thì nấu cho con ăn với. Tôi nghe mà cảm thấy tội, đi bộ đội được ăn cơm còn về nhà không có gì ăn đành xin mẹ ăn khoai.

Hôm đấy ăn khoai vằm thay cơm nhưng nó vui vẻ và ăn nhiều lắm. Trong lúc ăn nó còn cười với mẹ và bảo: Làm lính nghèo lắm mạ ạ, nhà mình cũng nghèo nên con về mạ có khoai vằm ăn no bụng như ri là vui lắm rồi. Sau này dành dụm, có nhiều tiền, con sẽ mua nhiều đồ ăn cho ba mạ và các em."

Mẹ Đức không thể ngờ rằng, đó là lần cuối cùng anh Phương về thăm nhà và “bữa khoai vằm thay cơm” cũng là bữa ăn cuối cùng mẹ được ăn cùng đứa con trai đầu lòng.

02 10

 

Về thăm gia đình chưa được bao lâu thì ngày mồng 10 tháng Giêng năm 1988 anh Trần Văn Phương phải lên đường trở lại đơn vị.

Trước lúc ra đi, người sỹ quan Hải Quân trẻ tuổi nói với mẹ: “Ở nhà ba mẹ nhớ cắt toóc (thân cây lúa) phơi khô” và hứa: “Đến lúc con về phép sẽ cùng ba chẻ tre, kẹp tranh để sửa lại mái nhà bếp, chứ giờ mưa dột khổ ba mẹ lắm”.

Vài ngày sau khi trở về đơn vị, anh Phương có biên thư gửi về gia đình và đó cũng là lá thư cuối cùng mẹ Đức nhận được từ con trai.

Mẹ Đức nói, ngày anh Phương gửi thư về vui lắm nhưng do không biết chữ nên mẹ phải nhờ con cháu đọc cho nghe. Đã 31 năm nay, năm nào mẹ cũng nhờ con cháu đọc cho nghe lá thư cuối cùng của anh Phương.

Nghe nhiều nên đến giờ không cần nhìn thư mẹ Đức vẫn có thể nhớ từng câu từng chữ, từng dấu chấm phẩy. Lá thư ấy, mẹ cũng mang đi ép plastic và bảo quản như báu vật của cuộc đời.

gac ma 2 5

 

Mẹ Đức khẽ lấy vạt áo lau sạch những vết bụi nhỏ trên bức thư rồi nói: "Trong lá thư gửi về em nó hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ và các em. Sau đó, em nó không quên báo quá trình từ nhà trở lại đơn vị an toàn để bố mẹ an tâm. Phương còn nói, cả nước hiện đang hướng về và sẵn sàng chi viện cho Trường Sa, đơn vị con hiện đang báo động chiến đấu khẩn cấp...."

Trong thư, có đoạn anh Phương Viết: "Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo…Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ.

…Lúc ra đi con chỉ dặn ba mạ như thế này: Khi ba mạ nhận được bức thư này thì ba mạ không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba mạ cũng đừng trông thư con nữa..."

gac ma 3 7

 

Kể đến đây, mẹ Đức tiến lại bàn thờ liệt sỹ Phương thắp thêm một nén hương, khẽ giọng: "Con hứa với ba mạ như vậy mà con đi 31 năm nay không về...Lúc xưa nhà nghèo, mạ nuôi con mà không có cơm cho con ăn no cũng chẳng có áo cho con mặc ấm. Bây chừ nhà xây mái ngói, đồ ăn ngon nhiều lắm mà con lại không còn trở về".

03 11

 

Tháng 3/1988, trời xanh, biển lặng, những người lính Hải quân Việt Nam lên tàu HQ505, HQ604 và HQ605 ra Gạc Ma với tâm thế để xây dựng đảo.

Thiếu úy Trần Văn Phương lúc ấy được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy đảo đá Gạc Ma đi trên tàu HQ 604 có nhiệm vụ cùng với Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc chịu trách nhiệm đổ bộ từ tàu lên đảo chìm, cắm quốc kỳ và giữ cờ chủ quyền trên đá Gạc Ma.

Rạng sáng 13/3, tàu HQ 604 đến điểm thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 100 mét. Các tàu Trung Quốc lập tức vây quanh và bắc loa yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi cụm đảo.

Rạng sáng 14/3, tổ bảo vệ cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương đổ bộ lên đảo chìm để cắm cờ. Cùng lúc đó, nhóm công binh của Trung đoàn công binh 83 cũng vận chuyển vật liệu đưa xuống xuồng vào đảo Gạc Ma để làm nhà cao chân.

Trung Quốc ngay lập tức đều động 4 xuồng máy chở khoảng hơn 50 lính vũ trang, đổ bộ lên đảo, dùng vũ lực nhổ cờ Việt Nam.

Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ thuộc quyền lao vào giật lại. Các chiến sĩ công binh cũng lao vào hỗ trợ với cuốc, xẻng, gạch đá, giao chiến để tránh gây cớ bùng nổ xung đột vũ trang.

Trong lúc giành giật, lính Trung Quốc nổ súng bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh thuộc Trung đoàn Công binh 83 cũng bị lính Trung Quốc đâm trọng thương.

Các tàu Trung Quốc sau đó nã đạn bắn chết và bắn trọng thương các chiến sĩ trên đá Gạc Ma. Khi tàu HQ 604 tìm cách tiếp cận đảo, tàu Trung Quốc cũng nã pháo bắn chìm. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và chỉ huy trưởng cụm đảo Sinh Tồn Trần Đức Thông cùng một số thủy thủ hy sinh theo tàu.

gac ma 4 6

 

Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hô vang câu nói: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng”.

Nói xong câu này, anh gục xuống, tay vẫn giữa chặt lá cờ tổ quốc thẫm đẫm máu của mình và đồng đội. Lúc hy sinh, anh Phương vẫn chưa biết vợ mình đã mang thai hơn 1 tháng và hiện con gái của anh đang nối nghiệp cha để trở thành là một sỹ quan của Quân chủng Hải quân.

Sau khi hy sinh, thi hài Thiếu úy Trần Văn Phương được các đồng đội tìm cách đưa về tàu HQ-505 đang nằm trên bãi đá Cô Lin cách đó 3,5 hải lý.

Vài ngày sau, khi nghe đài phát thanh, mẹ Trần Thị Đức mới biết tin con trai mình đã hy sinh. Suốt mấy ngày liền, mẹ mất ăn mất ngủ và luôn cầu mong sẽ có phép nhiệm màu đến với đứa con trai yêu dấu nhưng điều ấy đã không xảy ra.

Thi hài liệt sỹ Trần Văn Phương được chôn cất tại bãi đá Cô Lin cho đến tận năm 1993 người em trai thứ là Trần Văn Hồng mới đưa được hài cốt của anh về chôn cất tại nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn).

Box

 

Thiếu úy Trần Văn Phương được truy thăng quân hàm Trung úy và ngày 6/1/1989 được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Phương nó hy sinh nhưng là hy sinh cho chủ quyền biển đảo của đất nước. Không có cái chết nào thiêng liêng bằng việc ngã xuống cho Tổ quốc. Thằng Phương đi xong thì thằng Hồng, rồi lại đến thằng Hiệp đi. Chừ thằng Hồng qua cảnh sát biển rồi, thằng Hiệp đi xong thì về giúp mẹ làm ruộng”, mẹ Đức nói, sụt sùi xúc động pha lẫn tự hào về những người con trai đã cháy hết mình cho mùa xuân đất nước.

NGUYỄN VƯƠNG – VIỆT HOÀNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn