Đứt ruột vì 10 đứa con đẹp đẽ bỗng… hóa điên

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 28/07/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tấm hình sau bát hương là cậu thanh niên rất đẹp đẽ. Trông hình ngỡ tài tử điện ảnh, chứ ai ngỡ là chàng trai tâm thần.

(VTC News) - Bà Nguyễn Thị Nở và ông Phạm Văn Phong tuy nghèo, chỉ là công nhân bốc vác ở Nhà máy xi măng Hải Phòng, song lại đẻ tới 10 người con. Đứa nào đẻ ra cũng đẹp như tranh vẽ, mặt mũi sáng láng, gái thì xinh tươi, trai thì vương tượng. Con cái bà cứ lớn nhanh như thổi, đi học hành như bao đứa trẻ khác, nhưng đứa thì đến lớp 5 lớp 6 là tự dưng mặt mũi tối tăm lại, bài vở không tiếp thu được, rồi dở điên dở khùng, đứa thì đến lớp 2 lớp 3 đã phát bệnh.

Trong tổng số 10 người con của bà Nở, thì có 3 cô con gái đẹp như tranh vẽ, gồm cô con cả là Phạm Thị Thái (SN 1965), Phạm Thị Dung (SN 1971) và Phạm Thị Cúc (SN 1973). Cả ba cô, dù nhà nghèo khó, miếng ăn chẳng mấy khi no, song cứ lớn như thổi, phổng phao, xinh đẹp nhất xóm. Đến tuổi thiếu nữ, đám trai tân dập dìu đưa đón. Nhưng đau buồn thay, chưa kịp lấy chồng, thì đột nhiên phát bệnh và đều bỏ đi biệt tích. Ba cô con gái này giờ ở phương trời nào, còn sống hay đã chết, bà Nở cũng không biết. Bao nhiêu năm rồi, không thấy tin tức gì cả.

Trong số 7 cô con gái, thì có hai cô lấy được tấm chồng, đó là Phạm Thị Lan (SN 1968) và Phạm Thị Tâm (SN 1969). Chị Lan lấy chồng, sinh được đứa con trai. Tuy nhiên, khi cậu con còn đang bú mẹ, thì chị phát điên, thi thoảng lại cởi trần cởi truồng bế con trốn nhà đi lang thang giữa mùa đông giá rét. Khi sinh đứa con thứ hai được 4 tháng tuổi, thì chị… điên hẳn, không lúc nào tỉnh táo nữa, đập phá tanh bành nhà cửa. Để an toàn cho bản thân chị và hai đứa con, gia đình đã phải đưa chị vào trại tâm thần.

Sổ chữa bệnh của những người con tâm thần. Ảnh: Quang Huy. 

Chị Phạm Thị Tâm, người con thứ 4 của bà Nở được coi là tỉnh táo hơn cả. Chị cũng kiếm được tấm chồng, nhưng thỉnh thoảng cũng nói lảm nhảm, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Chị cứ đi vài ngày, tự dưng sực tỉnh, lại hỏi đường tìm về.

Trong số 7 người con gái, thì có lẽ chị Phạm Thị Hoa (SN 1976) là điên nhất. Chị Hoa điên khùng từ khi chập chững biết đi. Da dẻ trắng trẻo, nhưng đôi mắt vô hồn và lúc nào cũng nheo nheo vẻ sợ hãi. Hoa gầy còm, chỉ có da bọc xương, quanh năm suốt tháng nằm ở góc nhà, cơm không chịu ăn, chửi bới cả ngày lẫn đêm.

Cách đây 3 năm, ông Thanh, nguyên Chủ tịch UBND phường Cầu Tre vào thăm gia đình bà Nở. Ông Thanh thấy bà Nở khổ quá, mỗi mình vật lộn giữa đàn con điên rồ, hát hò, chửi bới suốt ngày đêm, đã làm giúp thủ tục, hồ sơ để đưa Hoa cùng anh trai Phạm Văn Hoàng (SN 1966) và chị gái Phạm Thị Lan (SN 1968) vào trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần. 3 người con vào trại, được Nhà nước nuôi dưỡng, bà Nở đỡ vất vả hơn, mà mấy người con của bà cũng đỡ khổ.
 
Những người con đẹp đẽ cứ lần lượt... hóa điên. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Đang kể về đàn con, bà Nở ngước nhìn cái bàn thờ lạnh lẽo khói hương. Trên bàn thờ ấy, thờ hai con người, nhưng chỉ có một bát hương và một tấm ảnh. Chồng bà đã mất 6 năm trước vì đột quỵ. Để nuôi đàn con, ông làm đủ mọi việc, từ bốc vác, phu hồ, sửa chữa xe đạp… Lao lực quá, nên bị tai biến, sống thực vật một năm thì ra đi. Thời gian đó, mình bà nuôi đàn con điên và người chồng nằm bẹp một chỗ. Ông Phong chết mà không có nổi tấm ảnh thờ.

Tấm hình sau bát hương là cậu thanh niên rất đẹp đẽ. Trông hình ngỡ tài tử điện ảnh, chứ ai ngỡ là chàng trai tâm thần. Phạm Văn Đức (SN 1978) mới chết năm ngoái. Nhắc lại cái chết của Đức, bà Nở ôm mặt khóc tu tu.

Đức nằm bẹp trong trại tâm thần vì bệnh kiết lỵ, rồi tiêu chảy gì đó. Bệnh nặng quá, bác sĩ không cứu được. Khi Đức chết, bệnh viện gọi bà đến nhận xác con về chôn, nhưng bà nuốt nước mắt bảo: “Nhà không có gì bán được để mua quan tài, cũng chẳng có đất mà chôn. Các bác thương tình thì mai táng cho cháu nó, đời này, kiếp sau, tôi mãi đội ơn các bác”.
Cô con gái Phạm Thị Hoa hồi còn ở với mẹ. Ảnh: Quang Huy. 

Trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần mua tấm ván, rồi cho xe bò chở xác Đức ra nghĩa địa chôn. Hôm đó, bà Nở cũng đến xem họ chôn con mình, chẳng có kèn trống, chẳng có làm ma gì cả. “Mới hôm rồi làm giỗ đầu cho em nó, tôi có đến mộ, nhưng cỏ mọc um tùm lắm, tìm mãi mới ra” – bà Nở vừa nói vừa vái lạy trước di ảnh con.

Mặc dù là công nhân, nhưng đẻ một đàn con điên khùng, không ai chăm sóc, nên bà Nở bỏ dở, về một cục, thành ra chẳng có lương hưu. Để có miếng ăn, bà dậy từ sáng sớm, ra vùng ngoại thành mua rau, gánh vào thành phố bán. Đi từ sáng đến đêm, kiếm được một hai chục ngàn. Đồ ăn của bà và các con là cơm thừa, canh cặn ở các nhà hàng, quán xá. Họ thương cảnh bà, nên dồn thức ăn thừa phần cho mấy mẹ con bà.

Thời gian gần đây bà Nở yếu quá, chân tay thường xuyên co rút, không thức khuya dậy sớm được. Có lần, quẫn quá, lúc đi qua cầu Bính, bà toan nhảy xuống sông. Nhưng dường như có sức mạnh vô hình ngăn bà lại. Bà chết rồi, không biết ai nuôi đàn con điên dở. Cũng mới đây thôi, quẫn quá, bà uống thuốc chuột. Tuy nhiên, hàng xóm phát hiện, đã kịp thời đưa bà đi bệnh viện rửa ruột. Bà bảo: “Sinh ra vào năm 1945, đói rạc cả tuần không chết, rồi về già, tự tử cũng vẫn không chết, chắc kiếp trước cô nặng nợ nhân gian nhiều quá. Thôi đành sống cho nốt kiếp khổ này để trả nợ!”.
"Thôi đành sống cho nốt kiếp khổ này để trả nợ!”. Ảnh: Phạm Ngọc Dương

Cũng may cho bà, năm ngoái, lãnh đạo phường Cầu Tre thương xót, giúp đỡ làm thủ tục trợ cấp cho gia đình. Hiện mỗi tháng bà được trợ cấp 120 ngàn đồng. Hai người con là Phạm Văn Hậu (SN 1982) và Phạm Thị Bích (SN 1983), mỗi người được trợ cấp 180 ngàn đồng một tháng. Mấy người con ở trại thì được Nhà nước nuôi dưỡng miễn phí. Hiện tại, bà Nở chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp này. Chẳng bao giờ bà dám tiêu pha đồng nào, mà bà tích cóp lại, để mỗi lần Hậu hoặc Bích lên cơn, còn có tiền đưa con đi điều trị. Mỗi lần hai người con này lên cơn, phải điều trị 5-6 tháng liền mới tạm tỉnh táo.
Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click her

Bà Nở kể: “Cách đây 5 năm, thằng Hậu lên cơn điên phóng hỏa đốt nhà, mấy chị em thì reo hò cổ vũ. Cũng may mà hàng xóm dập tắt kịp, không thì lửa thiêu cả nhà lẫn mấy chị em chúng nó rồi”. Nghe mẹ kể thế, Hậu ngồi góc nhà lẩm bẩm rủa vẻ cáu giận lắm. Hậu là niềm hi vọng duy nhất của bà Nở, vì hiện tại, Hậu tỉnh táo nhất. Hàng ngày, Hậu vẫn đi đánh giày kiếm thêm vài đồng bạc lẻ phụ giúp mẹ.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn