Dự thảo dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM có khả thi?

Thời sựThứ Tư, 01/08/2018 16:40:00 +07:00

Chuyên gia giao thông đã có những đánh giá ban đầu về dự thảo dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa trình dự thảo về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố cho UBND TP xem xét.

Theo dự thảo này, với vỉa hè rộng dưới 1,5m sẽ ưu tiên dành cho người đi bộ; vỉa hè rộng từ 1,5m đến dưới 3m, dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ, phần còn lại sử dụng vào các mục đích khác. Với hè phố rộng từ 3m đến trên 5m, ít nhất dành 1,5m cho người đi bộ; phần còn lại, ngoài việc tổ chức các hoạt động khác thì còn được phép giữ xe hai bánh và ô tô có thu phí.

38029633_944153209109665_8565126500121051136_n

TP.HCM đề xuất dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ.  

Đánh giá về dự thảo này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho rằng nếu nội dung dự thảo này xem như một quy chế quản lý đô thị của UBND TP.HCM trong giai đoạn hiện nay, thì tính khả thi không cao.

Được biết, dự thảo được trình UBND TP để thay thế quyết định 74/2008 về quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè (nội dung Quyết định 74/2008 chỉ yêu cầu trừ ít nhất 1m cho người đi bộ - PV) được cho là đã quá lạc hậu với khung pháp lý của Bộ GTVT về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt với tình hình thực tế lấn chiếm và giành lại vỉa hè của TP.HCM.

Tuy nhiên, TS Phạm Sanh nhận định các quy chế đưa ra trong dự thảo thiếu khảo sát hiện trạng vỉa hè và đánh giá tác động kinh tế đô thị. Dự thảo chỉ nêu ra các thông số bề rộng chung chung đơn giản, không gắn kết nhu cầu thực tế và đưa ra các giải pháp sử dụng không gian vỉa hè bền vững. 

"Ví dụ vị trí để xe tự quản ngay sát công trình là không hợp lý, không giống gì với cách bố trí sử dụng vỉa hè của cả thế giới, vừa không an toàn cho người đi bộ lại nhốn nháo mất mỹ quan đô thị", TS Sanh cho biết.

Theo TS Phạm Sanh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè là vấn nạn chung của cả nước, đặc biệt tại TP.HCM đã từng có chiến dịch "giải cứu vỉa hè" đình đám của ông Đoàn Ngọc Hải, chủ tịch UBND quận 1.

"Dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng sau lại đâu vào đấy. Tuy nhiên, TP không có một đánh giá khoa học, nghiêm túc và có trách nhiệm về thất bại này", tiến sỹ Sanh nhận định. 

Ngoài ra, ông Sanh cho rằng, quá trình xây dựng, lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo mất thời gian khá dài cả năm, nhưng nặng về thủ tục hình thức hơn là hàm lượng chuyên môn khoa học. 

1 3

 Việc lấn chiếm vỉa hè tại TP.HCM để buôn bán đã trở nên quá phổ biến khiến cho dự thảo càng khó thực hiện.

"Hiện nay các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vỉa hè đều chưa có, cũng chưa biết là Bộ Xây dựng hay Bộ GTVT biên soạn vấn đề này dẫn đến không có quy hoạch, không có thiết kế điển hình cho từng con phố, trục đường, khu vực cụ thể. 

Theo tôi, để hoàn thiện dự thảo, TP nên tôn trọng lợi ích người dân thật sự và hãy vì sự phát triển bền vững của TP. Các cơ quan quản lý chuyên ngành nên bớt xơ cứng, tránh lạm dụng quyền lực chuyên môn và bớt tự ái.

Hay nhất, chúng ta nên nhờ tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài, có kinh nghiệm và năng lực để giúp xây dựng chiến lược và thiết lập một vài đồ án quy hoạch xây dựng và quản lý không gian vỉa hè TP.HCM có chất lượng đúng thông lệ thế giới, trước khi xây dựng quy chế quản lý", TS Phạm Sanh chia sẻ.

Video: Giữa đêm, một mình ông Đoàn Ngọc Hải đi dẹp vỉa hè

Trong khi đó, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn (Trường Đại học KHTN ĐHQG TP.HCM) cho biết, đề xuất dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ có khả thi hay không còn phải xem xét làm thế nào để giảm thiểu tác động đến những người buôn bán có sử dụng vỉa hè.

Để làm được điều này, theo ông Hải, TP.HCM phải kiểm tra, rà soát để không xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, song song với việc triển khai việc chỉnh trang đô thị.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn