Dự án sân bay Long Thành: Tránh việc đã gia hạn rồi tiếp tục chậm trễ

Đầu TưThứ Năm, 09/11/2023 11:45:24 +07:00
(VTC News) -

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 về dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Đức Hải, đa số các đại biểu thống nhất cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Có đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tính khả thi khi chỉ cho phép kéo dài việc thực hiện đến hết năm 2024. Có đại biểu đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ, có giải pháp quyết liệt hơn, không để xảy ra tình trạng tiếp tục trình Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn tiếp theo..

Có đại biểu đề nghị đánh giá rõ việc điều chỉnh thời gian thực hiện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2025 đưa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác. Ngoài ra, phần lớn ý kiến đều thống nhất phải bố trí đủ vốn cho dự án và thống nhất với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024. 

Nhưng cũng có nhiều đại biểu cho rằng số vốn chưa giải ngân đã hủy dự toán, quyết toán kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc nên không thể kéo dài thời gian giải ngân vốn và đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất phương án xử lý phù hợp.

 Vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội, dự án không thể dừng

Đồng tình với chủ trương cần thiết phải điều chỉnh một số chỉ tiêu của dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lý giải, thời hạn thực hiện dự án đã hết nhưng công tác giải phóng mặt bằng chưa xong. Nếu không gia hạn về thời gian thực hiện sẽ không có mặt bằng để xây dựng sân bay Long Thành.

Đại biểu Trần Văn Tiến. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trần Văn Tiến. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài ra, thời gian giải ngân vốn cũng đã hết trong khi nhiều dự thành phần chưa hoàn thành, nếu không kéo dài thời gian giải ngân thì nhiều công trình đầu tư xây dựng sẽ dở dang.

Ông Tiến cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, vì năm 2023 sắp kết thúc và công tác giải phóng mặt bằng càng về sau càng khó khăn.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam cho rằng, dự án này không thể dừng lại được. Trước đây, Quốc hội khóa 13 đã ban hành chủ trường đầu tư dự án. Nghị quyết số 26 năm 2016 của Quốc hội khóa 14 chủ trương cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng để giải quyết.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án: Quốc hội cho chủ trương kéo dài dự án này đến năm 2025 để trùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các vấn đề còn lại thì do Chính phủ quyết định.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, việc đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu của dự án là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành dự án. Sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, bất cứ dư án đầu tư nào, quá trình thực hiện sẽ khó khớp với kế hoạch ban đầu.

Đại biểu Mai Hoa ghi nhận trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn một.

Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là một giải pháp rất là hợp lý của tỉnh Đồng Nai”, nữ đại biểu nói.

Tuy vậy, đại biểu cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ. “Liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?” Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi.

Sân bay Long Thành. (Ảnh minh họa).

Sân bay Long Thành. (Ảnh minh họa).

Tránh việc gia hạn rồi nhưng vẫn chậm

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng ý với chủ trương điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội.

Nhưng đại biểu Nga đề nghị đánh giá sát hơn về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn rồi nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới. 

Theo bà Nga, việc nêu lý do dịch COVID-19 là chưa thuyết phục vì dự án triển khai từ năm 2017 và công tác chuẩn bị đã phải tính hết các phương án, cách thức tổ chức nên không thể nói do dự án lớn cần nhiều bước triển khai kỹ lưỡng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bà Nga cho rằng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân cũng triển khai quá chậm. Đến nay, đã quá thời hạn hoàn thành đề án gần hai năm mà mới chỉ dừng ở việc khảo sát nhu cầu, tổ chức hội nghị, tuyên truyền tư vấn đào tạo nghề.

Đối với dự án thành phần 2 có 11 công trình là các trường học, trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã nhưng đến nay mới có ba công trình hoàn thành, bà Nga đề nghị cần triển khai khẩn trương để ổn định cuộc sống của người dân.

Cuối cùng, đại biểu Nga đề nghị cân nhắc kỹ việc quy hoạch bốn lớp chung cư cao tầng dự kiến làm nhà ở xã hội tại khu tái định cư thành các lô nền trong khi đang có chủ trương tập trung nguồn lực nhà ở xã hội, nhất là khu công nghiệp, và cụm công nghiệp.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, dịch bệnh COVID-19 thực sự có ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ triển khai dự án.

"Cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm từng ngày. Đây là dự án lớn, cả nước đang dõi theo, nên cần làm hết trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ", ông An nói.

Chỉ còn 64 ha chưa bàn giao mặt bằng

Trong khi đó, trả lời VTC News chiều 8/11, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường thông tin, hiện nay tỉnh đã bàn giao được gần 100% đất cho chủ đầu tư ACV để thi công dự án sân bay Long Thành. Còn lại 64 ha đất chưa bàn giao nằm ngoài đường ranh giới nhà ga sân bay, đường lăn, bến đỗ.

"Thậm chí nếu 64 ha này không giải phóng được cũng không ảnh hưởng gì đến sân bay. Như vậy là thuận lợi, không có khó khăn", ông Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, trong 64 ha này, chủ yếu là đất trồng cao su của Tổng công ty Cao su thuê lại từ UBND tỉnh.

"Do thuê đất của UBND tỉnh nên sẽ tiến hành bồi thường đối với cây cao su, còn tiền sẽ trả lại cho Chính phủ. Cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về tiến độ bàn giao đất dự án sân bay Long Thành. Đến thời điểm này không thể nói việc bàn giao đất chậm và thậm chí giai đoạn 1 tỉnh còn bàn giao trước cả thời hạn", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Quản Minh Cường. (Ảnh: Trần Vương)

Ông Quản Minh Cường. (Ảnh: Trần Vương)

Cũng theo thông tin từ ông Cường, hiện cả dự án còn ba hộ dân chưa chịu di dời và quan điểm của tỉnh là trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, nhận đền bù thì có thể thực hiện cưỡng chế.

Nói về việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất xây dựng sân bay Long Thành đến hết năm 2024, ông Cường cho biết việc thu hồi đất thời gian qua gặp khó khăn do cả khách quan và chủ quan. Trong đó khách quan là do từ 2020-2022 ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến cán bộ không đi đo, kiểm đếm được khiến kéo dài thời gian đền bù, giải tỏa.

Bên cạnh đó, lịch sử đất nước chưa bao giờ có cuộc đền bù nào lớn như thế này. Riêng sân bay 5.000 ha còn bên ngoài khoảng 5.400 ha nhưng chỉ làm trong thời gian rất ngắn, đặc biệt giao hoàn toàn cho tỉnh. Do đó, Đồng Nai đã tập trung thực hiện và có thời điểm huy động 300 cán bộ ở tỉnh, các huyện tăng cường để tập trung cho việc giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn