Dự án chênh hàng trăm triệu đồng, khách hàng có dính 'bẫy lừa'?

Kinh tếThứ Tư, 13/07/2016 07:43:00 +07:00

Những dự án được chào bán với mức giá chênh lên tới hàng trăm triệu đồng/căn, khách hàng nên chấp nhận mua đắt hay "ngoảnh mặt" đi?

Mặc dù theo đánh giá của các công ty nghiên cứu về bất động sản, từ đầu năm đến nay, giao dịch bất động sản có xu hướng chậm lại, nhưng thực tế tại nhiều dự án thời gian qua vẫn được bán chênh từ vài chục tới vài trăm triệu đồng một căn.

0-293f5

Khách hàng có nên mua dự án chênh hàng trăm triệu đồng?

Đơn cử, có thể kể ra một số dự án như: CT1 (Khu đô thị Trung Văn - Hà Nội), giá gốc chỉ 21 triệu đồng, nhưng khi mua khách hàng phải trả thêm từ 2,5 - 3 triệu đồng/m2 tùy căn hộ và tùy đơn vị phân phối. Dự án CT1 Resco Cổ Nhuế, CT1 Thành phố Giao Lưu, cũng xuất hiện tình trạng giá chênh từ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/căn.

Dự án 69 Triều Khúc, giá gốc là 18 triệu đồng/m2 nhưng giá bán đến tay người mua là 21 - 22 triệu đồng/m2, dự án Vimeco thì mức chênh được chào bán lên tới 300 - 500 triệu đồng/căn.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, đa số các dự án xuất hiện tiền chênh này đều là các dự án có mức giá gốc khá rẻ, vị trí thuận tiện, nhưng được các sàn bất động sản đẩy giá lên cao.

Nhân viên sàn giao dịch bất động sản EZ cho biết, số tiền hàng trăm triệu đồng này không phải tiền chênh, mà tiền phí dịch vụ, số tiền này được các sàn thu và chỉ có phiếu thu của các sàn.

Còn nhân viên của một đơn vị phân phối khác thì lý giải, số tiền này là do khách mua trước (đa phần là người có suất ngoại giao) đưa ra, các nhân viên sàn chỉ bán hộ thu hộ chủ nhà số tiền chênh này.

Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Đầu tư và kinh doanh CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) nhận định, trên thực tế, tiền chênh người mua phải trả khi mua nhà phát sinh khi mua lại của người khác, điều này có thể diễn ra một cách bình thường trong điều kiện thị trường tăng trưởng và giá nhà tăng lên sau khi người đầu tiên đã mua hoặc phát sinh đối với một số căn hộ có ưu thế đặc biệt và có nguồn cung rất hạn chế.

Tuy nhiên, cũng có thể phát sinh với trường hợp người mua đầu tiên được mua với giá thấp hơn giá thị trường sau đó bán lại trên thị trường. Để hạn chế vấn đề này, cần có biện pháp kiểm soát giá bán, kiểm soát chặt chẽ việc sang tên chuyển nhượng.

Ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng giám đốc Him Lam Land thì cho rằng, đây là quan điểm và cách làm của chủ đầu tư và đơn vị phân phối dự án.

Hiện nay số lượng nguồn cung nhà rất lớn. Điều nay rất có lợi cho người tiêu dùng do vậy người mua nhà hoàn toàn an tâm và có thời để lựa chọn những sản phẩm tốt không nhất thiết phải đi mua những dự án có cách triển khai thiếu sự chuyên nghiệp và minh bạch như vậy.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Hải Đăng đưa ra cảnh báo: "Hiện luật pháp không có cơ chế nào để bảo vệ cho các giao dịch "chui", các khoản tiền chênh không có chứng từ. Do đó, theo tôi người mua nhà nên tỉnh táo để tránh những rủi ro như bị mất khoản tiền chênh lệch này đặc biệt đây lại là số tiền không hề nhỏ".

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc Eximrs cũng nhận định, trong thời gian vừa qua, tại thị trường TP. HCM ít có tình trạng các dự án bán theo giá chênh lệch ngay khi triển khai bán hàng trong giai đoạn đầu, có thể chỉ một vài dự án có nhà đầu tư thứ cấp nên dẫn đến tình trạng bạn vừa nêu trên. Vì vậy, trước khi quyết định mua cần phải tìm hiểu rất kỹ.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn