Động thái mềm dẻo của ông Kim Jong-un với Hàn Quốc ẩn chứa điều gì?

Thế giớiThứ Năm, 04/01/2018 12:05:00 +07:00

Động thái mềm dẻo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Hàn Quốc làm dấy lên nhiều nhận định về việc liệu ông có thay đổi chính sách ngoại giao mà Triều Tiên đang theo đuổi hay không.

Khi gửi tới người dân trên bán đảo Triều Tiên thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mặc bộ com lê theo kiểu phương Tây thay cho chiếc áo khoác kiểu Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un gửi thông điệp cho thấy Triều Tiên muốn giảm căng thẳng với Hàn Quốc, đồng thời cho biết ông muốn gửi đoàn vận động viên Triều Tiên đến tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang.

Động thái này của ông Kim Jong-un được phía Hàn Quốc hoan nghênh, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với đại diện của Bình Nhưỡng vào ngày 9/1 tại Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều.

Ngày 3/1, Reuters cho biết ông Kim Jong-un chỉ đạo mở lại đường dây liên lạc liên Triều tại Bàn Môn Điếm sau gần 2 năm gián đoạn.

1 20180101

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)

Một số chuyên gia nhận định, bằng hành động “đưa cành ô liu” cho Hàn Quốc, ông Kim Jong-un dường như muốn tách Seoul khỏi Washington, vốn là đồng minh thân cận từ lâu của Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về động thái này.

“Ông Kim Jong-un có thể đang cố tạo ra một số phân loại giữa 2 miền Triều Tiên, giữa đất nước chúng tôi và Hàn Quốc. Tôi có thể đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố với báo giới ngày 3/1.

Theo Robert Litwak, học giả của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, thời điểm ông Kim Jong-un đưa ra tuyên bố được tính toán một cách hoàn hảo, trong đó tính cả việc Bình Nhưỡng tuyên bố có khả năng phóng tên lửa tới bất cứ nơi đâu trong lãnh thổ nước Mỹ.

“Ông Kim Jong-un nhận ra cơ hội hiếm hoi ở đây để hướng về phía Hàn Quốc và chống lại Tổng thống Trump”, ông Litwak nói với Thời báo New York.

KOREA-flag--a

Lá cờ thống nhất từng được đoàn vận động viên của 2 miền Triều Tiên sử dụng tại Thế vận hội 2000. (Ảnh: TOO)

AP dẫn nhận định của Shin Beomchul, thuộc Viện nghiên cứu Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, dù đưa ra thông điệp mềm dẻo hơn và mặc bộ trang phục mới, chiến lược của ông Kim Jong-un vẫn không thay đổi.

“Ông Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân, cố gắng làm yếu đi các áp lực quốc tế cũng như quan hệ đồng minh quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ và hướng tới việc khiến các lệnh trừng phạt của quốc tế được dỡ bỏ”, nhà phân tích này nhận định.

Evan Medeiros, người từng phụ trách mảng châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Obama nhận định, khả năng giảm thiểu căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên là khả thi nhưng nó sẽ dẫn tới chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Còn giám đốc phụ trách mảng giải trừ quân bị và hạt nhân thuộc Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) Tom Plant coi đây là điều tích cực khi ông Kim Jong-un không tuyên bố "hôm nay là chiến tranh".

Theo ông, đó là khoảng thời gian tạm dừng, Bình Nhưỡng muốn hạ giọng một chút, Triều Tiên không có ý định gây chiến và họ cũng sẽ nhận thấy các dấu hiệu từ Washington.

Theo bạn có khả năng xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên không?

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn