Động đất Sông Tranh 2: Dân vật vã mưu sinh

Thời sựThứ Tư, 24/10/2012 12:00:00 +07:00

(VTC News) - "Khi chúng tôi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư hứa nhiều lắm, ấy vậy mà chẳng thấy đâu, nhà thì nứt, đất trồng không có…"

(VTC News) - Từ khi đập thủy điện Sông Tranh 2 ngăn dòng tích nước cũng là lúc người dân nơi đây đối mặt với nỗi lo kép - “động đất và mưu sinh”.

>>>TOÀN CẢNH ĐỘNG ĐẤT RUNG CHUYỂN THUỶ ĐIỆN SÔNG TRANH 2


Mưu sinh trên dòng sông cạn


Có mặt tại bờ sông Tranh, bà Hồng cùng một số người dân đang cố mót từng con tôm, cái cá dưới dòng Sông Tranh chỉ còn trơ đáy với tâm lý não nề: “Bao đời nay, dòng sông này đã nuôi sống dân nghèo chúng tôi. Nhưng nay thì thế này đây, lội từ sáng đến giờ mà vẫn chưa đủ để qua bữa".

Người dân cố mưu sinh trên dòng sông Tranh cạn đáy 

 

Khi chúng tôi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư hứa nhiều lắm, ấy vậy mà chẳng thấy đâu, nhà thì nứt, đất trồng không có…còn động đất thì cứ ầm ầm.

Ông Hồ Văn Xí
 
Đứng trên cầu Sông Tranh, cây cầu nối hai bờ xã Trà Đốc và xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) mới thấy nỗi nhọc nhằn của người dân khi dòng sông Tranh trơ đáy.

Xa về phía thượng nguồn, bờ đập chính thủy điện Sông Tranh 2 sừng sững chặn dòng nước, bên dưới một nhóm người dân đang cố mót những th còn lại trên dòng sông Tranh bị biến dạng thành con lạch nhỏ cố len lỏi ven theo những tảng đá, dải cát trắng.


Sông cạn, cuộc sống mưu sinh của người dân cũng cạn dần. Cá không còn, người dân hì hụi bên lạch nước cố tìm những hạt vàng sa khoáng thay cho việc bắt con tôm con cá kiếm sống qua ngày khiến dòng sông đỏ quạch.


Đa số người dân nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2 là người dân tộc Ca Dong. Bao đời nay đất rừng đã chở che và nuôi sống họ. Vậy nhưng từ khi Sông Tranh 2 xuất hiện, cuộc sống bị đẩy vào tình cảnh khốn khó, không đất sản xuất, canh tác.


Già Hồ Văn Xí (trú khu tái định cư 3A, xã Trà Đốc) ngồi bên cửa sổ căn nhà sàn nhìn ra rừng buồn nói: “Khi chúng tôi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư hứa nhiều lắm, ấy vậy mà chẳng thấy đâu, nhà thì nứt, đất trồng không có…còn động đất thì cứ ầm ầm”.


“Khi chưa xây thì 'ông' thủy điện nói xây thủy điện, người dân sẽ sống tốt hơn, sướng hơn. Nhưng rồi không phải vậy, khổ gấp trăm lần trước. Nước sinh hoạt không có, đất đai trồng trọt cũng không. Muốn lấy nước phải đi cõng gần 3km đường. Nhiều người đã phải bỏ nhà, vào lại làng cũ trong rừng để sinh nhai”, già Xí trăn trở.

Người dân Bắc Trà My đang "vật vã" vì động đất thường xuyên thường trực

Ông Hồ Cao Quý, Bí thư Đảng ủy xã Trà Đốc cho biết: “Từ khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2, đồng bào nơi đây chưa lúc nào yên ấm và đang đứng trước nguy cơ không có việc làm. Cái đói rình rập do không có đất để trồng trọt là chuyện không tránh khỏi. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã xuất gạo hỗ trợ, nhưng đó cũng chỉ lạ tạm thời. Còn dài hạn, phải có đất, có cơ sở để dân sản xuất kinh kế”.

“Vật vã” với động đất

Trận động đất mạnh kỷ lục xảy ra đêm 22/10 một lần nữa khiến người dân Bắc Trà My “vật vã”. Toàn bộ người dân trong huyện nháo nhác, hoang mang. Chính quyền địa phương bỏ hết việc, lo cho dân.


Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Mấy tháng nay, người dân không tâm trí đâu để làm ăn, sinh kế vì lúc nào cũng canh cánh động đất. Chính quyền địa phương cũng vậy, phải hướng dẫn, an dân, có làm lụng được gì nữa đâu. Ở đây, đâu chỉ có chuyện nhà nứt, hư hỏng mà còn tâm lý người dân nữa chứ. Thiệt hại này liệu có đo đếm được!”

Có mặt tại khu tái định cư thôn 3A và 3B, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) mới thấy hết sự khó nhọc đang quàng lên vai người dân nơi đây.

Hàng loạt những căn nhà tái định cư bỏ hoang, xuống cấp không người ở. Trường lớp thì tạm bợ, thiếu thốn khiến người dân càng lo lắng cho tương lai của chính mình và thế hệ sau.


Theo thống kê sơ bộ, đã có 256 ngôi nhà bị hư hỏng, nứt...do trận động đất mạnh lịch sử xảy ra đêm 22/10 

Từ tờ mờ sáng, ông Hồ Văn Dúi (65 tuổi) đã phải cùng đàn con vào rừng đốn cây, hái mây về dựng nhà sàn để ở.

Ôm bó mây rừng vừa hái, ông Dúi nói: “Có nhà tái định cư, nhưng động đất suốt, nổ ầm ầm như sấm sét làm sao mà dám ở. Sợ quá, cả làng rủ nhau vào rừng đốn cây về dựng tạm nhà sàn để ở. Cả nhà mình, cả làng mình khổ với thủy điện lắm rồi”.


Cũng như ông Dúi, hầu hết người dân xã Trà Đốc nói riêng và cả huyện Bắc Trà My nói chung mấy tháng nay luôn trong cảnh ăn không ngon, ngủ không yên vì động đất. Người già lo lắng, người trẻ bỏ việc vì động đất và nỗi lo thủy điện có sự cố.


Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, qua khảo sát sơ bộ, toàn huyện đã có 256 ngôi nhà của người dân bị nứt, hư hỏng do trận động đất xảy ra đêm ngày 22/10.

Trong đó, thị trấn Trà My (15 nhà), xã Trà Đốc (35), xã Trà Sơn (78), xã Trà Bui bị nặng nhất với 97 ngôi nhà bị nứt và hư hỏng. Tổng thiệt hại lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Mặc dù chưa có thiệt hại về người, nhưng tâm lý người dân rất lo lắng.


Bửu Lân-Thùy Dương
Bình luận
vtcnews.vn