DN truyền hình trả tiền chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng từ đối thủ ngoại

Thị trườngThứ Sáu, 12/11/2021 11:20:00 +07:00
(VTC News) -

Không chỉ khó khăn do COVID-19 doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng từ đối thủ ngoại.

Cuộc đua không cân sức với các doanh nghiệp ngoại

Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet.

Báo cáo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao có trả phí hàng tháng. Doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng. 

Trong đó, Việt Nam có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động. 

DN truyền hình trả tiền chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng từ đối thủ ngoại - 1

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt, không cân sức. (Ảnh minh họa)

So với khu vực thì Việt Nam là quốc gia có doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền đang ở mức rất thấp. ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng. Trong khi, Việt Nam chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng.

Đây là hệ quả của cuộc đua giảm giá thuê bao kéo dài từ năm 2014 đến nay của các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+… nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn phí truyền hình hoặc ngược lại.

Giữa đại dịch COVID-19, thị trường truyền hình trả tiền bị bủa vây bởi nhiều khó khăn, với hàng loạt chi phí phát sinh, phí mua bản quyền nội dung ngày một đắt đỏ. Tuy nhiên, chưa dừng ở đó, doanh nghiệp trong nước còn đang phải chạy theo một cuộc đua không cân sức với các doanh nghiệp ngoại.

Tại Việt Nam hiện có nhiều dịch vụ truyền hình nước ngoài đang hoạt động và có thu tiền định kỳ như: Netflix, Apple TV+ (Mỹ), WeTV, iQiYi (Trung Quốc)... Điểm chung của các dịch vụ này là cung cấp chủ yếu trên các nền tảng Internet như website, ứng dụng trên điện thoại…

Doanh nghiệp nội còn nguy cơ thua trên "sân nhà" vì "thiệt đơn, thiệt kép"

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hình thành đã được 20 năm. Từ năm 2002 đến 2017 thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã đạt đến đỉnh về số lượng người dùng, đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng sâu vùng xa.

Nhưng từ cuối năm 2016 xuất hiện công nghệ truyền hình qua Internet và các hãng truyền thông, truyền hình phát thanh của nước ngoài thông qua công nghệ truyền dẫn OTT cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Vì đây là hình thức cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới nên các hãng nước ngoài vào Việt Nam không xin cấp phép theo quy định quản lý của Việt Nam. Dịch vụ OTT xuyên biên giới có khối lượng nội dung rất lớn, họ lại không bị giới hạn nội dung nên đưa vào Việt Nam tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phim ảnh, thể thao, giải trí…

Trong khi đó, truyền hình trả tiền truyền thống trong nước hoạt động tốt trong vòng 20 năm qua nhưng đến lúc này công nghệ lại chưa theo kịp được, chưa làm thỏa mãn được nhu cầu của người dùng. Bởi vì công nghệ OTT ưu việt hơn hẳn truyền hình cáp, vệ tinh hay truyền hình qua giao thức internet IPTV ở chỗ: ở đâu có Internet thì họ có thể xem truyền hình.

Không chỉ thua kém về công nghệ, đáng nói hơn, các doanh nghiệp nội còn nguy cơ thua trên "sân nhà" vì "thiệt đơn, thiệt kép". Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa phải nộp thuế, chịu nhiều kiểm soát chặt chẽ thì các doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu bất cứ rào cản nào khi hoạt động tại Việt Nam.

Điểm bất bình đẳng đầu tiên là doanh nghiệp truyền hình trả tiền nước ngoài không xin cấp phép và cung cấp chương trình vào Việt Nam mà không bị kiểm duyệt nội dung, trong khi truyền hình trả tiền truyền thống trong nước gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua hai quy định này. 

Ngoài ra, bất bình đẳng hơn nữa là trong khi có nguồn thu lớn khi hoạt động tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp nước ngoài không phải đóng thuế, phí cho Nhà nước.

Cuộc cạnh tranh không tương xứng này khiến doanh nghiệp Việt đã khó nay càng khó hơn để có được thị phần và giữ chân khách hàng trong nước. Tiềm lực tài chính dồi dào để tự sản xuất phim hay mua bản quyền phim là điều mà các doanh nghiệp ngoại làm rất tốt. Kết quả đã được chứng minh rất rõ khi doanh thu của họ tăng theo cấp số nhân.

Trên thực tế, hiện các doanh nghiệp OTT nước ngoài đã chiếm một lượng lớn khách hàng truyền thống của Việt Nam mà chủ yếu là khách hàng trẻ ở đô thị. 

Nhiều chuyên gia cho rằng việc biến thách thức thành cơ hội trên thị trường truyền hình trả tiền không chỉ đòi hỏi những bước đi sáng tạo, đột phá từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay đơn vị sản xuất nội dung mà còn phụ thuộc rất lớn vào hành lang pháp lý để điều tiết cũng như tạo sự bình đẳng trên thị trường.

HẢI DƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn