Điểm xét tuyển đại học có nhiều chỗ khác biệt, cần điều chỉnh

Giáo dụcThứ Bảy, 10/08/2019 10:02:00 +07:00

Những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp.

Sau khi có kết quả xét tuyển đại học, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học- bà Nguyễn Thị Kim Phụng đã có những nhận xét liên quanh đến công tác tuyển sinh năm nay.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nhìn chung mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường đều tăng nhẹ so với năm trước. Kết quả tuyển sinh cũng có một số sự khác biệt khá rõ nét.

Đầu tiên, so với những năm trước thì điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống.

Cụ thể: Bên cạnh một số trường còn lấy dưới 15 điểm thì những trường lấy tới 26-27 điểm.

Kết thúc đợt xét tuyển lần I, số thống kê có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển đủ chỉ tiêu;

61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

chiphung1

 Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học- bà Nguyễn Thị Kim Phụng.

Điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn, trong đó các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc có thí sinh huy chương vàng Toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 7 ngành lấy từ 19,5 đến 21 điểm.

Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khoẻ cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước vì năm nay là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khoẻ.

Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26.75 điểm.

Một điều đáng mừng khác, là không chỉ có khối y dược và khối kinh tế mà năm nay một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở tốp cao nhất như Trường đại học Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 điểm đến 27,42 điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, có những trường như khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là không hấp dẫn.

Nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.

Thống kê trên hệ thống cho thấy, tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng.

Lý do là năm nay các trường mở rộng các hình thức xét tuyển khác. Con số thống kê chỉ tiêu từ đầu cũng cho thấy điều đó. Nếu các năm trước, khoảng 75% chỉ tiêu lấy từ điểm thi thì năm nay con số này là 70%

Việc các trường mở rộng diện ưu tiên xét tuyển, tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực... và công bố trúng tuyển trước khi xét đợt I mở rộng như trên cũng có nhiều điểm tích cực là các trường tự chủ hơn, trải nghiệm những hình thức xét tuyển khác trên phạm vi hẹp để nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn tuyển.

Đây là cơ sở để sau này trường có thể tuyển sinh quanh năm, giảm áp lực cho thi cử...

Hầu hết các trường xét tuyển trước đều là những trường uy tín thì mới có sức hút thí sinh xác nhận nhập học trước.

Khi tuyển học bạ, trường thường kết hợp với các điều kiện các như được giải của tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, ACT... nên phương thức này có thể tin cậy, mở rộng trong thời gian tới.

(Nguồn: giaoduc.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn