Đi cào ốc kiếm cả triệu bạc mỗi đêm

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 05/11/2022 08:58:00 +07:00

“Nhà tui mỗi ngày cào ốc được hơn 1 tấn, thu nhập hơn 1 triệu đồng nên không phải lên Bình Dương tìm việc làm ở các khu công nghiệp”, Hai Phương nói.

Mờ sáng, chiếc máy sàng ốc bươu tự chế, hiệu “Made by nông dân” nổ xịt khói bay ngút trời, xóa tan nỗi buồn quạnh quẽ ở khúc kênh Mặc Cần Dưng. Nước lũ dâng cao, người dân xóm kênh Mặc Cần Dưng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vui mừng khấp khởi, vì được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều nguồn lợi thủy sản. 

Đường quê vui nhộn

Mờ sáng, chiếc máy sàng ốc bươu tự chế nổ xịt khói bay ngút trời. Hàng chục trai tráng trong xóm, hì hục khuân vác những bao ốc đồng nặng trịch từ dưới ghe lên bờ. Cạnh đó, các anh trung niên thoăn thoắt mở miệng bao, đổ ốc vào máy. Họ chia nhau làm từng khâu thật nhịp nhàng, tạo nên một dây chuyền phân loại ốc sinh động.

Đi cào ốc kiếm cả triệu bạc mỗi đêm - 1

Phân loại ốc đồng bằng máy tự chế

Anh Trần Thanh Quyền ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, chủ vựa thu mua ốc đồng bảo, giờ đây, ốc đồng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nông dân trong mùa nước nổi.

Bám nghề buôn ốc đồng lâu năm nên anh Quyền được anh em “tín nhiệm” bầu làm “chủ tướng” của đội quân buôn ốc. Anh Quyền kể rằng, ngày trước, mỗi khi cào cá trên đồng lũ nếu bắt dính con ốc đồng “mi-ni”, mọi ngườ sẽ đổ bỏ. Thế nhưng, về sau, con ốc này là nguồn sinh kế cho nhiều nông dân ở đây. “Ốc bằng đầu ngón tay chỉ làm thức ăn cho vịt chạy đồng. Nhưng chúng sinh sản với số lượng quá nhiều, vịt ăn không hết, đành phải đổ bỏ. Cách đây 10 năm, tui gặp tiểu thương ở miệt dưới chạy xe lên thu mua ốc “mi-ni”. Sau đó, hỏi ra mới biết họ mua về làm thức ăn cho tôm sú, tôm thẻ và cua biển... Thấy vậy, tui mới đặt bà con trong xóm thu mua ốc đồng”, anh Quyền nói.

Đi cào ốc kiếm cả triệu bạc mỗi đêm - 2

Ốc đồng cỡ nhỏ nay là nguồn lợi lâu dài của bà con

Ôc đồng được tiêu thụ mạnh, người dân mạnh dạn đầu tư ghe, ngư cụ khai thác trên đồng lũ. Từ đó, xóm kênh Mặc Cần Dưng có hàng trăm hộ “sống khỏe” với nghề cào ốc. Anh Quyền được dân nuôi tôm khắp nơi biết tới. Dạo trước, dù mới ra nghề buôn ốc, anh Quyền đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ ngư dân nuôi tôm ở miền Trung. Khách hàng ngày càng nhiều, một mình buôn ốc không xuể, anh Quyền huy động thêm 5 anh em trong gia đình cùng tham gia nghề buôn ốc “mi-ni”.

“Tay trái hái ra tiền”

Mặc dù cào ốc, buôn ốc đồng được xem là“tay trái” trong mùa nước nổi, tuy nhiên nghề này đang “hái ra tiền”. Xuất hiện nhiều trong mùa lũ, tưởng chừng như bỏ đi, nhưng hiện tại, ốc đồng “mi-ni” được tiểu thương thu mua từ 1.500-2.000 đồng/kg.

“Năm nay lũ lớn, ốc sinh sản nhiều, chủ yếu là ốc bươu vàng, người dân đi cào ngày nào cũng được nhiều ốc “mi-ni”. Nhờ vậy, bà con có đồng vô, đồng ra trong mấy tháng lũ. Mỗi buổi tối, một ghe cào ốc có thể thu hoạch từ 500-1.000kg ốc. Với giá bán 2.000 đồng/kg, mỗi gia đình cào ốc thu nhập hơn 1 triệu đồng/đêm”, anh Quyền cho hay.

Chiều tà, có dịp ngang qua kênh Mặc Cần Dưng mới thấy hết cảnh huyên náo của người dân chạy ghe đi cào ốc. Bà con đi bắt ốc đồng được ví von như “cánh vạc ăn đêm”. Khi thì ồn ào nổ máy “cày” trên đồng nước, lúc thì lặng lẽ cam chịu sương lạnh ngồi lựa ốc trong đêm. “Nghề cào ốc tuy cực, nhưng bù lại có thu nhập khá trong mùa lũ”, chị Tư Hân đang lựa ốc cười khúc khích. Cũng nhờ bà con cào ốc mà diệt được số lượng lớn ốc bươu vàng sinh sản trong mùa nước nổi, giúp nông dân canh tác lúa thuận lợi.

“Nhà tui 5 nhân khẩu, mỗi ngày, cào ốc thu hoạch hơn 1 tấn, bỏ chi phí ăn uống, xăng, dầu, thu nhập hơn 1 triệu đồng. Do đó, gia đình tui không phải lên Bình Dương tìm việc làm ở các khu công nghiệp”, Hai Phương ngụ xã Vĩnh Hanh bày tỏ.

Đi cào ốc kiếm cả triệu bạc mỗi đêm - 3

Ốc được chuyển đi bằng xe đông lạnh, đến nơi còn tươi nguyên

Anh Quyền tâm sự: “Hồi trước, chưa nắm được kỹ thuật, tui dùng nước đá ướp ốc. Làm thế, ngư dân ngoài miền Trung không chịu, vì cho tôm ăn dễ bị nhiễm bệnh. Sau này, tui dùng xe tải đông lạnh, chở ốc ra tận miền Trung".

(Báo An Giang)
Bình luận
vtcnews.vn