Đề xuất nghỉ lễ có lương vào Ngày Gia đình Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 23/10/2019 14:08:00 +07:00

Một số đại biểu tán thành với đề xuất tăng thêm ngày nghỉ có lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). 

Trình bày về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương, nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7, mà đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6), hoặc một ngày khác.

nguyen thuy anh

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật sau khi cân nhắc các ý kiến thảo luận tại kỳ họp trước xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm. 

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

 Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của đại biểu Quốc hội theo 2 phương án:

- Phương án 1: không bổ sung ngày nghỉ lễ.

- Phương án 2: bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch).

Về vấn đề thời gian làm việc bình thường, bà Anh cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.

Một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin rằng việc giảm thời giờ làm việc bình thường là một vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện.

Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn