Để rung nhĩ không còn là gánh nặng ám ảnh

Bệnh và thuốcThứ Tư, 18/10/2023 10:54:14 +07:00
(VTC News) -

Rung nhĩ là bệnh lý gây ám ảnh nhân loại trong thời đại mới, nhưng điều may mắn là ngày càng nhiều kỹ thuật tiến độ trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

Hơn 200.000 người Việt tử vong mỗi năm

Theo PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu trên thế giới cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022.

Tử vong do tim mạch hơn cộng gộp cả 3 nguyên nhân gây tử vong liền kề sau đó, gồm: Ung thư (10 triệu) + Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD (3,97 triệu) + Đái tháo đường (1,55 triệu).

Một thực tế đáng lo ngại nữa là tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm tới 75%), trong đó có Việt Nam.

PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Hội Tim mạch học Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Hội Tim mạch học Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong”, PGS Hùng chia sẻ.

Theo thống kê của Viện Tim Mạch, qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%. Như vậy, cứ 4 người Việt trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.

Bệnh lý tim mạch được biểu hiện thông qua nhiều biến cố khác nhau. Có thể là cơn đau thắt ngực, khó thở và mệt mỏi kéo dài do bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), huyết áp…, có thể là tai biến mạch máu não (đột quỵ) có thể dẫn đến tử vong.

Nỗi ám ảnh hàng ngày

Nhưng đó chưa hẳn là ám ảnh lớn nhất của bệnh lý tim mạch. Đôi khi, sự đeo bám dai dẳng của bệnh lý huyết áp, mạch vành, cơ tim, van tim, cường giáp… tạo thành cơn rung nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim rất thường gặp.

Tại Việt Nam, theo ước tính của Hội Tim Mạch Học Việt Nam, khoảng 1% rung nhĩ ở người lớn dưới 60 tuổi; 12% ở người tuổi 75-84 và hơn 1/3 số người từ 80 tuổi trở lên có rung nhĩ.

Rung nhĩ có thể khiến cuộc sống hàng ngày trở thành nỗi ám ảnh. Bởi nó là nguyên nhân dẫn đến vô số lần nhập viện vì rối loạn huyết động, các biến cố tắc mạch, suy tim và thậm chí tử vong.

Người mắc rung nhĩ có nguy cơ suy tim tăng gấp 3 lần và nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người không bị rung nhĩ. Nguy cơ này sẽ còn tăng hơn nữa, theo thời gian lẫn độ tuổi cũng ngày càng trẻ hóa, thông tin từ PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Hội Tim mạch học Việt Nam.

Các triệu chứng thường gặp của rung nhĩ không quá đặc trưng, khó nhận biết và phân biệt với những bệnh lý khác. Do đó, khi thấy các biểu hiện này xuất hiện thường xuyên, hãy nghĩ ngay đến rung nhĩ. Đó là cảm giác hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, khó thở do suy tim, nguy hiểm nhất là đột quỵ, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Tuy nhiên, cũng như nhiều biến cố sức khỏe khác, từ đột quỵ đến đái tháo đường. Hầu hết chúng ta đề có thể phòng ngừa, kiểm soát bệnh tim mạch chủ động.

Triển vọng mới trong điều trị và phòng ngừa

Việt Nam là một trong những quốc gia đối mặt với gánh nặng lớn do rung nhĩ nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung. Do đó, nhiều thập kỷ qua, Hội Tim mạch học Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và dự phòng căn bệnh này.

Mới đây, sự ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo cho giai đoạn 2023-2024 giữa Hội Tim mạch học Việt Nam và Medtronic Việt Nam là cột mốc quan trọng.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo cho giai đoạn 2023-2024 giữa Hội Tim mạch học Việt Nam và Medtronic Việt Nam.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo cho giai đoạn 2023-2024 giữa Hội Tim mạch học Việt Nam và Medtronic Việt Nam.

Sự kiện này mở ra chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, đặc biệt mang đến niềm hy vọng mới ngày càng có nhiều bệnh nhân tim mạch Việt Nam được điều trị với các phương pháp mới, ít xâm lấn hơn.

Mặc dù điều trị rung nhĩ là hành trình dài và gian nan, khoa học có thêm đốt rung nhĩ bằng kỹ thuật áp lạnh, một trong các phương pháp mới nhất hiện nay.

Thực tế điều trị trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy đốt rung nhĩ bằng kỹ thuật áp lạnh là một trong những biện pháp an toàn, hiệu quả để điều trị bệnh lý rung nhĩ, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, sau thủ thuật bệnh nhân chỉ cần nằm lại bệnh viện theo dõi một ngày, không cần phải dùng thuốc đi kèm.

 

Kỹ thuật này sẽ được thực hiện tại các trung tâm tim mạch can thiệp trên cả nước, nơi có các chuyên gia nhịp học được đào tạo chuyên nghiệp và trang thiết bị phòng cath lab đầy đủ, hiện đại.

Hội Tim mạch học Việt Nam kỳ vọng đốt rung nhĩ bằng kỹ thuật áp lạnh sẽ đem đến triển vọng mới trong điều trị rung nhĩ tại Việt Nam, góp phần giảm gánh nặng tim mạch cho người Việt.

Điều trị rung nhĩ có thể là gánh nặng cả đời cho bệnh nhân và gia đình. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng khi đưa kỹ thuật áp lạnh, giúp bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường mà không còn phải lo lắng về những triệu chứng của rung nhĩ, cũng như những biến chứng của rung nhĩ như suy tim và đột quỵ”, ông Paul Verhulst, Phó Chủ tịch Tập đoàn Medtronic khu vực Đông Nam Á, đơn vị tiên phong trong phát minh phương pháp đốt rung nhĩ bằng kỹ thuật áp lạnh, chia sẻ.

Ông Paul Verhulst, Phó Chủ tịch Tập đoàn Medtronic khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại buổi ký kết.

Ông Paul Verhulst, Phó Chủ tịch Tập đoàn Medtronic khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại buổi ký kết.

Song song với sự tiến bộ của y học, chúng ta đã nắm trong tay nhiều phương thức điều trị hiện tại và từng bước giảm dần ảnh hưởng của bệnh lý không lây nhiễm. Dù vậy, cách làm tốt nhất để có cuộc sống khỏe mạnh là dự phòng để tránh xa bệnh tật.

Đối với rung nhĩ, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, bạn cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe trái tim. Hãy duy trì lối sống khỏe khoắn, nói “không” với những thực phẩm độc hại và thói quen không lành mạnh: tập thể dục thường xuyên, lựa chọn thực đơn có lợi cho tim mạch, hạn chế cafein và chất kích thích khác, nghỉ ngơi hợp lý và chú ý cân nặng.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn