ĐBQH: 'Tăng vài trăm nghìn đồng không đủ giữ chân công chức, viên chức giỏi'

Chính trịThứ Bảy, 22/10/2022 11:56:36 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tăng lương cơ sở thêm 300.000 đồng/tháng có ý nghĩa động viên công chức, viên chức là chính chứ chưa đủ để ngăn làn sóng nghỉ việc.

Liên quan đến việc đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, theo lộ trình và kế hoạch của Chính phủ thì phải thực hiện tăng lương từ vài năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi nguồn lực của Trung ương và địa phương đều phải tập trung giải quyết hậu quả dịch và tăng cường phát triển kinh tế. Đó là nguyên do 3 năm qua Chính phủ chưa tăng lương.

Mức tăng chỉ mang tính chất động viên

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở ở thời điểm này khá hợp lý. Thứ nhất, chúng ta đã chậm một nhịp trong việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức.

Thứ hai, về cơ bản, thời điểm này Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh COVID-19, kinh tế sau đại dịch bắt đầu phục hồi.

Thứ ba, sau đại dịch COVID-19, cuộc sống đại đa số nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực;  cán bộ, công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy ảnh hưởng này không rõ rệt như đối với doanh nghiệp hay các nhóm khác song giá cả leo thang, lương thấp cũng tác động trực tiếp đến đời sống của công chức, viên chức.

ĐBQH: 'Tăng vài trăm nghìn đồng không đủ giữ chân công chức, viên chức giỏi' - 1

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng, mức tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (hơn 300.000 đồng) chỉ mang tính tạm thời, động viên tinh thần công chức, viên chức là chính. Số tiền lương tăng thêm vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại, khó giữ chân được người tài.

"Đến khi nào Chính phủ thực hiện hoàn toàn cải cách lương theo bảng thang bậc lương mới và cách tính lương mới thì chế độ tiền lương mới được cải thiện nhiều hơn, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cán bộ công chức, viên chức", vị đại biểu này nhấn mạnh. Theo bà, cùng với Chính phủ, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng đề án, chính sách ưu đãi những người thực sự tài năng, có cống hiến đặc biệt cho địa phương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng nêu lên hiện tượng chảy máu chất xám ở các cơ quan Nhà nước. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.  Thứ nhất, người có năng lực sẽ di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư do tiền lương ở khu vực công vẫn quá ít ỏi so với khu vực tư.

Thứ hai là hiện tượng chảy máu chất xám khi công chức, viên chức bỏ luôn nghề để làm những công việc khác có thu nhập tốt hơn, đỡ vất vả hơn.

Cả hai hiện tượng này cũng đều rất đáng suy nghĩ, liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền công người lao động được nhận. Bản thân họ cảm thấy không thỏa đáng và không thể nuôi sống gia đình trong điều kiện tiền lương như vậy.

"Do vậy, cải cách tiền lương cũng là một trong những giải pháp để giữ chân người tài trong lĩnh vực công. Cần chính sách tăng hợp lý, việc tăng vài trăm nghìn đồng không đủ để giữ chân công chức, viên chức giỏi", bà Nga nhấn mạnh.

Trước băn khoăn ngân sách Nhà nước có hạn thì tăng lương thế nào, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để cải cách tiền lương, chúng ta cần có nguồn lực đủ mạnh. Muốn vậy, phải đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, chỉ khi kinh tế phát triển thì chúng ta mới có nguồn lực để cải cách tiền lương.

Hiện nay, Chính phủ nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tinh giản biên chế. Nếu bộ máy cồng kềnh, chắc chắn số tiền lương bỏ ra sẽ rất tốn kém. Chúng ta đang nỗ lực trong những năm qua để sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn và hiệu quả hơn.

Lương thấp gây tham nhũng

Trả lời VTC News bên lề Quốc hội, đại biểu đoàn TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp. Đại đa số cán bộ, công chức đang sống nhờ vào lương, đây là khoản thu nhập chính thức của họ.

Thời gian qua, dù Nhà nước đã tìm cách tăng thu nhập cho công chức, viên chức nhưng mức lương của họ vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng và nghỉ việc.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nêu một tình trạng đáng báo động khác: Lương thấp nên nhiều công chức, viên chức phải làm “chân trong, chân ngoài”, sao nhãng, bỏ bê công việc chính. Theo ông, nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người không giữ được đạo đức, chủ yếu lo việc kinh doanh, các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến trách nhiệm công vụ.

Giải pháp khắc phục là tăng lương cơ bản, nhưng mức thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay không giống nhau. Một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên ít nên lương hưu rất thấp. Công chức, viên chức trẻ cũng có mức lương hàng tháng không đủ sống.

Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao. Nếu tăng lương cơ bản một cách bình quân thì những người có bậc lương thấp vẫn rất khó khăn, mức tăng không đáng kể, trong khi đó những người có mức lương tháng, lương hưu cao lại tăng rất nhiều.

"Không nên tăng thu nhập bình quân, cào bằng. Những người có thu nhập thấp, lương hưu thấp thì mức tăng nên cao hơn, những người đã có mức lương cao thì mức tăng nên thấp hơn", ông nhấn mạnh.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được đề xuất áp dụng cho đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. 

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến được thực hiện từ 1/1/2023.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn