ĐBQH: Khuyến khích bệnh viện vay tiền của tổ chức tín dụng để mua sắm thiết bị

Chính trịThứ Năm, 08/09/2022 16:40:00 +07:00
(VTC News) -

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần có nhiều ưu đãi, khuyến khích bệnh viện vay tiền của các tổ chức tín dụng để mua sắm, đầu tư thiết bị y tế.

Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, điều khiến ông trăn trở trong dự án luật này là vấn đề hợp tác công - tư trong y tế.

Ông Hiếu cho rằng cần xoá bỏ thuật ngữ "Xã hội hoá y tế" đang được nêu trong dự thảo luật.

"Tại Việt Nam và trên thế giới không có định nghĩa nào về xã hội hoá y tế. Chúng ta không thể xã hội hoá bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua 1 cái máy rồi chia nhau lợi nhuận. Xã hội hoá không phải là như thế", ông Hiếu nhấn mạnh.

ĐBQH: Khuyến khích bệnh viện vay tiền của tổ chức tín dụng để mua sắm thiết bị - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.

Thay vào đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra ba hình thức hợp tác công - tư trong y tế.

Hình thức thứ nhất là cho vay. Ông Hiếu cho rằng cần có các ưu đãi, khuyến khích cho bệnh viện vay tiền tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức quốc tế để mua sắm trang thiêt bị y tế. 

"Sau khi vay tiền để đầu tư thiết bị, bệnh viện phải có trách nhiệm bảo vệ vốn vay giống như các doanh nghiệp. Phải sử dụng thiết bị sao cho có hiệu quả nhất", ông Hiếu nói.

Hình thức hợp tác thứ hai mà vị đại biểu Quốc hội này đưa ra là thuê. Ông Hiếu cho biết, chúng ta đã có quy định để các bệnh viện, cơ sở y tế thuê theo hình thức hai chiều, tuy nhiên điều này chỉ đang diễn ra theo một chiều.

"Hiện nay chỉ có bệnh viện công thuê các trang thiết bị từ tư nhân, đó là những thiết bị đắt tiền mà đơn vị Nhà nước không đủ điều kiện mua được. Còn chiều thứ hai là tư nhân thuê bệnh viện công thì chưa thể thực hiện", đại biểu Hiếu nói.

Phân tích về chiều tư nhân thuê bệnh viện công, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, y tế công có thương hiệu, nguồn lực chất xám lớn nhưng không có khả năng bỏ tiền xây dựng bệnh viện, đầu tư thiết bị. Ngược lại, các cơ sở tư nhân lại yếu kém vận hành về mặt quản trị thì có thể thuê thương hiệu, chất xám của y bác sĩ, nhà khoa học thuộc bệnh viện công... để hoạt động hiệu quả hơn.

"Tất nhiên rất khó để định giá thương hiệu, nhưng cần có hướng đi và sớm đưa vào quy định để thực hiện", ông Hiếu đề nghị.

Hình thức cuối cùng được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu là hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Nước ta đã có bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công - tư phi lợi nhuận.

Ông Hiếu chia sẻ, hình thức này có nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho bệnh viện công vận hành, lợi nhuận nếu có sẽ không chia cho nhau mà giữ lại để đầu tư phát triển bệnh viện mạnh hơn, nâng cao đời sống của cán bộ nhân viên, cũng như hỗ trợ bệnh nhân nghèo, khó khăn. 

"Nên khuyến khích hình thức này. Tôi nghĩ nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng xây bệnh viện mang thương hiệu nhà nước và đó cũng là cách tạo tiếng thơm cho tổ chức, cá nhân đó. Tất cả các bệnh viện lớn của Hàn Quốc đều là tư nhân xây dựng, vận hành phi lợi nhuận", ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Cũng trong phần nêu ý kiến, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kỳ vọng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm được thông qua, áp dụng để gỡ rối nhiều vấn đề mà ngành y tế đang mắc phải.

"Chúng ta xác định đây là vấn đề quan trọng, ảnh hướng trực tiếp đến đời sống Nhân dân thì cần sớm hoàn thiện", ông Hiếu nói thêm.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn