ĐBQH: Dư luận băn khoăn thanh tra, kiểm toán rung doạ để chung chi tiền sai phạm

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 24/10/2021 18:22:00 +07:00
(VTC News) -

Theo ĐBQH Hoàng Quốc Khánh, dư luận rất băn khoăn việc có đoàn thanh tra, kiểm toán nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm.

Ngày 24/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết thời gian qua, cử tri và Nhân dân rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc xử lý một số tướng trong quân đội, công an vi phạm pháp luật.

Đại biểu Khánh cho rằng, làm tốt công tác phòng, chống từ cơ quan, lực lượng chuyên trách đấu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, tạo niềm tin tưởng đối với lực lượng này.

"Dư luận và Nhân dân rất băn khoăn trên thực tế trong thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng được thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập.

Để rõ hơn nội dung này, tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng đối với cơ quan, lực lượng làm công tác phòng, chống tham nhũng", đại biểu Khánh đề nghị.

ĐBQH: Dư luận băn khoăn thanh tra, kiểm toán rung doạ để chung chi tiền sai phạm - 1

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24/10 từ điểm cầu Lai Châu.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, cần quy định cụ thể về việc minh bạch một số hoạt động của một số cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, sai phạm.

Trên thực tế nhiều cơ quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra cơ bản, kiểm tra sai phạm kinh tế, nhưng công khai, minh bạch thông tin còn rất hạn chế.

"Ví dụ như việc thực hiện nghiệp vụ điều tra cơ bản của lực lượng công an, hàng năm thực hiện rất nhiều cuộc, nhiều đơn vị xử lý kinh tế rất lớn, nhưng việc công khai kết quả xử lý còn rất hạn chế, vì theo quy định các chương trình kế hoạch đều là tài liệu mật, Nhân dân không giám sát được.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định về giám sát của các cơ quan dân cử giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan nêu trên, trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia hoặc trong giai đoạn khởi tố, điều tra", đại biểu Khánh đề nghị.

Vị đại biểu đoàn Lai Châu cũng nêu ra, theo báo cáo toàn ngành đã triển khai được 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế là trên 61.000 tỷ đồng và trên 7.000 hecta đất.

Theo ông Khánh, kết quả trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của ngành thanh tra trong năm qua và cũng cho thấy trong một năm việc sai phạm là rất lớn về kinh tế, về đất đai.

Tuy nhiên, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra hình sự về những vi phạm chưa tương xứng với tình hình, cụ thể số liệu cộng lại một năm đã triển khai trên 194 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra kiểm tra chuyên ngành, xong mới chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự được 245 vụ, 182 đối tượng và đến nay thì cơ quan chức năng khởi tố 14 vụ và 16 đối tượng.

Qua theo dõi, trên thực tế nhiều địa phương công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều nhưng chưa có trường hợp nào chuyển cơ quan điều tra hình sự với rất nhiều lý do khác nhau.

"Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều đồng chí nói là chưa đủ dấu hiệu nên không chuyển. Tuy nhiên, xem xét một số kết luận thanh tra, có việc lập hồ sơ chứng từ thanh quyết toán dự án không đúng với khối lượng đã thi công để hưởng lợi, vậy đây có là dấu hiệu hình sự chưa.

Song lại cho khắc phục hoặc thu hồi khối lượng thực tế vào xử lý hành chính, mặc dù việc này đã có quy định cần chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều lần xong chưa được trả lời thỏa đáng", ông Khánh nói.

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất Chính phủ chỉ đạo và rà soát các quy định trên đồng thời tổ chức đánh giá việc thực hiện. Để có quy định cụ thể hơn các trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra xem xét.

"Bên cạnh đó nghiên cứu nên chăng có quy định chỉ tiêu công tác của ngành về việc chuyển cơ quan điều tra hình sự trong lĩnh vực này không?", đại biểu Khánh nêu ý kiến.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn