ĐBQH đề nghị xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải, phân bón Thuận Phong

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 23/10/2021 18:39:00 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH Lý Tiết Hạnh đề nghị sớm giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng như vụ Hồ Duy Hải, vụ phân bón Thuận Phong, vụ buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị.

Chiều 23/10, phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nói, thời gian qua nhiều vụ án được đưa ra xét xử. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án, vụ việc đã diễn ra từ lâu, được các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị, được cử tri và nhân dân quan tâm nhưng kết quả giải quyết cuối cùng chưa có.

“Ví dụ như vụ Hồ Duy Hải, vụ phân bón Thuận Phong (Đồng Nai), vụ buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị. Tôi đề nghị các cơ quan hữu quan để ý, sớm giải quyết dứt điểm các vụ án này nói riêng và các vụ án tồn đọng nói chung”, bà Hạnh nói.

Đại biểu Hạnh cho rằng sự không thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xét xử và tính kịp thời, nghiêm minh của pháp luật. Bà Hạnh kiến nghị VKSND tối cao và TAND tối cao có cơ chế để giải quyết, xử lý vấn đề này.

“Tôi đồng ý với kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sơ kết các đạo luật về tư pháp, kịp thời xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn”, bà Hạnh nói.

ĐBQH đề nghị xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải, phân bón Thuận Phong - 1

ĐBQH đề nghị xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng như vụ Hồ Duy Hải, vụ phân bón Thuận Phong

Góp ý về vấn đề tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hợp với xu hướng của thế giới.

Đồng tình với việc TAND tối cao đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là rất cần thiết, bà Hạnh cho rằng điều này vừa góp phần khắc phục án tồn đọng vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên cần có sự đánh giá, nghiên cứu hết sức cụ thể.

“Trước hết chúng ta nên giao cho các cấp tòa để thực hiện thí điểm đối với một số loại án, sau khi thí điểm, đánh giá nhiều thì mới triển khai rộng rãi”, bà Hạnh góp ý.

Tại phiên thảo luận trực tuyến, đóng góp ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, năm 2021 công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực.

Trong những tồn tại, hạn chế, đại biểu Trần Văn Tuấn đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện.

Đại biểu Tuấn cũng cho rằng quyền lực Nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng. Ông đề nghị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.

Theo đại biểu Tuấn, ngay trong luật còn có những bất cập trong quy định về trách nhiệm, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại... Về cơ bản các khiếu nại hành chính lại do các cơ quan hành chính giải quyết, không trách khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết, gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí thành điểm nóng gây bức xúc trong xã hội.

Trương Huyền - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn